Ngày 1-12, tại một tòa án liên bang ở trung tâm thủ đô Washington, ông Michael Flynn, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, đã nhận tội rằng hồi tháng 1 đã khai dối với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) về liên lạc của mình với đại sứ Nga lúc đó là ông Sergei Kislyak. “Tôi nhận tội, thưa ngài” - ông Flynn trả lời thẩm phán Rudolph Contreras tại tòa.
Theo các công tố viên, trong cuộc gặp tháng 12-2016, ông Flynn và Đại sứ Nga Kislyak đã bàn về các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ đã áp lên Nga và cả về cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bất lợi cho Israel.
Chính phủ Obama khi đó đã áp lệnh trừng phạt lên Nga vì cáo buộc Nga can thiệp bầu cử. Ông Flynn đã tham vấn với các thành viên cấp cao trong đội chuyển tiếp tổng thống của ông Donald Trump về việc phải nói với đại sứ Nga về các lệnh trừng phạt của Mỹ như thế nào. “Ông Flynn đã gọi cho đại sứ Nga và yêu cầu Nga không làm căng thẳng thêm tình hình” - tài liệu tòa án cho biết.
Ông Flynn bị sa thải khỏi vị trí cố vấn an ninh quốc gia từ tháng 2 vì nói dối Phó Tổng thống Mike Pence về các cuộc nói chuyện của mình với đại sứ Nga tháng 12-2016, sau khi ông Trump thắng cử và trước khi ông nhậm chức tổng thống.
Tại tòa ngày 1-12, ông Flynn thừa nhận đã nói dối về việc đề nghị đại sứ Nga giúp hoãn một cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc không có lợi cho Israel và ông Kushner.
Ông Michael Flynn (giữa), cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, rời tòa án liên bang Washington ngày 1-12. Ảnh: REUTERS
Ông Flynn có thể sẽ chịu năm năm tù. Ông Flynn cũng đồng ý hợp tác với các công tố viên điều tra sâu hơn về hành động của bộ sậu tranh cử của ông Trump. Diễn biến kịch tính và bất ngờ này đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò của ông Jared Kushner - cố vấn và con rể ông Trump.
Tài liệu tòa án nói một “quan chức rất cao cấp” trong đội ngũ ông Trump đề nghị ông Flynn liên lạc với Nga và một số nước khác, cố gắng ảnh hưởng lá phiếu của các nước này tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo một quan chức từng làm việc với đội chuyển tiếp ông Trump và một nguồn tin thân cận cuộc điều tra của ông Mueller, quan chức này là ông Kushner. Luật sư của ông Kushner không trả lời khi được hỏi về điều này.
Theo GS Ryan Goodman tại Trường Luật ĐH New York, sau chuyện ông Flynn nhận tội, bước đi tiếp theo của ông Mueller sẽ là xem xét lại các bản khai của ông Kushner. Ông Kushner có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu nội dung khai không khớp với những gì ông Flynn vừa thừa nhận.
Ngoài ra, theo GS Goldman, cả ông Flynn và ông Kushner đều có khả năng phải chịu trách nhiệm pháp lý theo luật liên bang Logan, cấm công dân Mỹ thương lượng với chính phủ nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế luật Logan trước giờ rất hiếm khi được áp dụng, vì thế khả năng ông Mueller viện tới luật này không cao, theo GS Goldman.
Ông Flynn từng là thành viên quan trọng trong đội tranh cử của ông Trump và là thành viên đầu tiên trong chính phủ Trump nhận tội trong cuộc điều tra cáo buộc Nga thông đồng với các trợ lý của ông Trump cố gây ảnh hưởng và can thiệp bầu cử Mỹ 2016.
Bên ngoài tòa án, một nhóm nhỏ người biểu tình la to “Nhốt ông ta lại!” khi ông Flynn rời tòa án. Đây cũng là câu ông Flynn đã nói nhằm vào ứng viên tổng thống Dân chủ Hillary Clinton - đối thủ ông Trump khi vận động tranh cử.
Quyết định nhận tội và hợp tác điều tra là một bước tiến triển lớn trong cuộc điều tra Nga của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Trong ngày 1-12, Nhà Trắng nói chuyện nhận tội của ông Flynn chỉ là chuyện riêng của ông này. “Chuyện nhận tội không liên quan đến bất cứ ai ngoài ông Flynn” - ông Ty Cobb, luật sư Nhà Trắng, tuyên bố.
Trong ngày 1-12, trước khi ông Flynn nhận tội trước tòa án, ABC News dẫn một nguồn tin thân cận ông Flynn cho biết ông này sẵn sàng khai về việc được ông Trump chỉ đạo liên lạc với Nga trước khi ông Trump trở thành tổng thống.
Nếu việc này có thật, vẫn có khả năng ông Trump không bị kết tội. Ông Trump sẽ có tội nếu bên điều tra chứng minh ông Trump chỉ đạo ông Flynn khai dối FBI về các liên lạc của mình với Nga.