Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội: Thiếu vật tư nên cho doanh nghiệp gửi để sử dụng trước

(PLO)- Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn khai do thiếu vật tư, Bệnh viện Tim Hà Nội đã cho doanh nghiệp gửi vật tư để sử dụng trước rồi hợp thức việc thanh toán sau.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (17-4), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội.,

Theo cáo buộc, trong các năm 2016 – 2017, Bệnh viện Tim Hà Nội đã thực hiện 5 gói thầu mua sắm vật tư, hóa chất trong đó 1 gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi, 4 gói thầu theo hình thức chỉ định thầu rút gọn.

Quá trình thực hiện các gói thầu này, các bị cáo tại Bệnh viện đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga, Công ty Kim Hòa Phát trúng thầu dẫn đến khoản thiệt hại hơn 53 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: HN

Bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: HN

Bệnh viện thiếu vật tư nên phải cho doanh nghiệp gửi

Khai tại tòa, cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn thừa nhận có quen Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Kim Hòa Phát và đồng ý cho công ty này gửi vật tư để sử dụng trước rồi hợp thức thanh toán bằng đấu thầu sau. Việc cho doanh nghiệp gửi vật tư là do thiếu vật tư.

Trong gói thầu năm 2016, Bệnh viện đã xây dựng danh mục mua sắm vật tư, hóa chất dựa trên mức giá mà các công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát gửi sang. Sau đó, bị cáo Tuấn ký phê duyệt. Bị cáo thừa nhận biết những việc này.

''Đây là các mặt hàng truyền thống Bệnh viện đã mua nhiều lần. Bị cáo có chỉ đạo cấp dưới tổ chức đấu thầu làm sao vừa mua được bằng hoặc thấp hơn giá đã mua, vừa thanh toán được cho các nhà thầu. Bắt buộc phải đấu thầu để trả nợ doanh nghiệp'' – bị cáo Nguyễn Quang Tuấn khai.

Kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự cho thấy giá các mặt hàng trúng thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường. Về kết quả này, bị cáo Tuấn cho rằng ''rất khó nói'', chúng tôi đối chiếu với giá Bệnh viện đã dùng và giá của các Bệnh viện khác; giá trúng thầu đã là thấp so với giá trong thời gian đó.

Bị cáo Tuấn thừa nhận gói thầu 2016 đã sai thì 4 gói thầu năm 2017 cũng sai vì sử dụng lại giá trúng thầu 2016.

Theo cáo buộc, vào các dịp Tết âm lịch năm 2016, 2017, bị cáo Đảng đến phòng làm việc của Nguyễn Quang Tuấn biếu quà Tết 250 triệu đồng. Bị cáo Tuấn đã nộp lại số tiền này. Vợ bị cáo này cũng đã nộp 6 tỉ đồng để khắc phục hậu quả cho chồng.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HN

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: HN

Lời khai của các bị cáo khác đều thừa nhận các sai phạm trong quá trình thực hiện 5 gói thầu. Các bị cáo tại Bệnh viện khai có biết việc sử dụng báo giá của doanh nghiệp để xây dựng danh mục mua sắm, Hội đồng mua sắm không họp nhưng các bị cáo vẫn ký biên bản.

Bị cáo Đào Trọng Bình, Phó trưởng phòng vật tư Bệnh viện thừa nhận các hành vi bị cáo buộc, bị cáo có biết việc Bệnh viện và Công ty Thẩm định giá AIC liên hệ để thẩm định theo giá mong muốn. Bị cáo cũng ký các biên bản mà không họp và thừa nhận Chứng thư thẩm định giá như vậy có sai. Bị cáo Bình đã khắc phục số tiền 300 triệu đồng, tương ứng với tiền lương nhận được trong 15 tháng làm việc. Bị cáo khai, do thấy mình không hoàn thành công việc nên nộp lại tiền lương, bị cáo không được hưởng lợi.

Không thẩm định vẫn có chứng thư thẩm định giá

Bị cáo Hoàng Ngọc Hưởng làm Phó Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội từ năm 2006, đến năm 2016 nghỉ hưu. Trong năm 2016, bị cáo là người liên hệ với Công ty AIC để thực hiện thẩm định giá. Bị cáo có ký biên bản hợp thức mời thầu đối với gói thầu thẩm định giá để Công ty AIC được trúng thầu. Trên thực tế, không tổ chức họp.

Cũng theo lời khai của bị cáo Hưởng, cứ đến cuối năm thì Bệnh viện thiếu vật tư, thủ tục đấu thầu thì kéo dài, Bệnh viện cần phải vay từ các nhà cung cấp để sử dụng. Đã sử dụng trước rồi, để thanh toán được thì phải hợp thức đấu thầu.

Bị cáo Hưởng là người đã liên hệ Công ty AIC để thực hiện thẩm định giá. Để có kết quả thẩm định giá như mong muốn của Bệnh viện, các bị cáo ở Công ty AIC đã không thực hiện đúng các quy định về thẩm định giá, không khảo sát thực tế, không thu thập thông tin về tài sản so sánh, các kết quả các giao dịch thành công trên thị trường.

Các bị cáo cũng không thu thập các hợp đồng, hóa đơn, chứng từ mua bán để xác định giá trị thị trường làm cơ sở thẩm định giá.

Bị cáo Trần Phú Hưng, Phó Giám đốc Công ty AIC, khai khi thẩm định giá thì thực hiện thiếu nhiều bước so với trình tự 6 bước được Bộ Tài chính quy định. Giá theo chứng thư thẩm định là giá mà khách hàng đưa ra. Làm như thế là sai.

Thực tế, bị cáo Nguyễn Hồng Dũng, thẩm định viên AIC không tham gia thẩm định giá mà giao lại cho Nguyễn Trung Dũng, chuyên viên. Khi CQĐT vào kiểm tra, các bị cáo ở AIC có thực hiện một số việc để hợp thức hóa việc thẩm định giá. Nguyễn Trung Dũng thừa nhận giá trong chứng thư thẩm định giá là do Bệnh viện đưa ra, bị cáo nhận được qua email và sử dụng luôn giá này, bị cáo không tiến hành thẩm định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm