Mới đây, một sản phụ 20 tuổi bị nhiễm HIV giai đoạn cuối được chuyển đến BV Từ Dũ (TP.HCM) để sinh con. Sản phụ nhập viện trong tình trạng ngưng thở, ngưng tim, buộc phải phẫu thuật để bắt con. “Kíp mổ được thành lập và bác sĩ (BS) T. chịu trách nhiệm phẫu thuật chính. Mặc dù biết trước sản phụ bị HIV nhưng cả kíp mổ không nao núng, tất cả vì sinh mạng thai nhi” - BS Võ Thị Đem, quản lý y tế cơ quan BV Từ Dũ, kể lại.
Cứu thai nhi, bác sĩ đối mặt phơi nhiễm HIV
Do sản phụ ngưng thở, ngưng tim nên một BS được phân công hồi sức bằng cách ấn tim. Trong quá trình ấn tim, áp lực đi từ ngực xuống bụng bệnh nhân quá cao khiến máu, nước ối vọt ra và dính vào người BS T., kể cả văng lên mặt, vào mắt.
Lau chùi qua loa, BS T. tiếp tục phẫu thuật để kịp thời cứu sống thai nhi. Riêng sản phụ qua đời vì kiệt sức. Khi ca mổ hoàn thành, lúc này BS T. mới có thời gian làm vệ sinh bản thân. “Do máu, nước ối văng vào mắt, có nguy cơ phơi nhiễm HIV nên BS T. được tư vấn, làm xét nghiệm, uống thuốc kháng HIV và được theo dõi trong sáu tháng” - BS Đem cho biết.
Sau khi uống thuốc kháng HIV, tác dụng phụ của thuốc khiến BS T. ăn uống kém, bứt rứt khó chịu, sạm da… “Tâm sự với tôi, BS T. thực sự lo lắng, đứng ngồi không yên. Theo chế độ, BS T. được BV cho nghỉ 20 ngày để nghỉ ngơi, ổn định tinh thần” - BS Đem nói.
BS T. trải lòng: “Thai nhi kịp thời cứu sống là tôi vui rồi. Là BS tôi biết khả năng bị lây nhiễm HIV rất thấp nên sẽ nhanh chóng vượt qua nỗi lo âu để tiếp tục công việc thường ngày”.
Vượt qua nỗi sợ phơi nhiễm HIV, BS LXN (BV Nhân dân 115) luôn hết lòng điều trị bệnh nhân. Ảnh: TRẦN NGỌC
Vượt qua nỗi sợ
Tại khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Nhân dân 115 (TP.HCM), BS LXN kể lại câu chuyện chính ông đối mặt với phơi nhiễm HIV. “Tháng 3-2015, tôi mổ gãy xương đùi trái cho một thanh niên 28 tuổi. Trong lúc phẫu thuật, tôi mang mỗi bàn tay hai chiếc găng để đề phòng. Dù hết sức thận trọng nhưng phần xương gãy nhọn hoắt của bệnh nhân đã đâm xuyên găng và làm chảy máu ngón trỏ bàn tay trái của tôi. Do cơ thể bệnh nhân đầy hình xăm trổ, lại có nhiều vết kim chích nên bệnh viện quyết định làm xét nghiệm máu và kết quả khiến tôi điếng cả người: Bệnh nhân bị HIV”.
BS N. được chuyển qua BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM để lập hồ sơ nguy cơ phơi nhiễm HIV và thực hiện các bước tầm soát theo quy định. “BV Bệnh nhiệt đới xét nghiệm HIV, công thức máu của tôi, sau đó cấp thuốc kháng HIV cho từng đợt 10 ngày” - BS N. kể.
Đúng một tháng sau, BS N. được BV Bệnh nhiệt đới tái khám và tiếp tục xét nghiệm HIV. Rồi tháng kế tiếp cũng tiếp tục làm lại xét nghiệm. “Các kết quả xét nghiệm của tôi đều âm tính với HIV. Tuy nhiên, mới chỉ qua giai đoạn cửa sổ. Phải ba tháng nữa, tức tháng 9-2015 tới, tôi sẽ được BV Bệnh nhiệt đới xét nghiệm HIV lần cuối và chính thức đưa ra kết luận” - BS N. cho biết.
Trong thời gian tầm soát HIV, BS N. luôn sống trầm tĩnh nhưng bên trong lòng ông thỉnh thoảng bất an, lo âu. Ông ít gần gũi vợ và hạn chế ôm ấp, hun hít con cái. “Tôi phải biết vượt qua nỗi sợ nhiễm HIV này để tiếp tục đến với người bệnh” - BS N. chia sẻ.
Làm khoa cấp cứu, nguy cơ rất cao
“BS, điều dưỡng khoa Cấp cứu rất dễ bị phơi nhiễm HIV do mỗi ngày phải tiếp xúc và cấp cứu trên dưới 280 bệnh nhân” - tâm sự với chúng tôi, BS Phạm Văn Khiêm, Phó Trưởng khoa Cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM), người đã 23 năm công tác tại khoa này, cho biết.
“Khi một bệnh nhân đưa vào khoa trong tình trạng nguy kịch, có bệnh nhân người bê bết máu, chúng tôi đều tập trung cấp cứu mà không hề nghĩ bệnh nhân có bị HIV hay không. Đối với BS, điều dưỡng bệnh nhân ai cũng như ai, không phân biệt đối xử. Tính mạng bệnh nhân là trên hết” - BS Khiêm nói.
BS Khiêm cho biết theo quy định bệnh nhân cấp cứu không buộc phải xét nghiệm HIV. BS và điều dưỡng cũng không được hỏi bệnh nhân có bị HIV hay không. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị những bệnh lý nội khoa (suy kiệt kéo dài, tiêu chảy liên tục, sốt…) hoặc kết quả xét nghiệm vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì BS có thể trao đổi với bệnh nhân những câu hỏi liên quan HIV để nhanh chóng tìm ra căn bệnh. Thông tin của bệnh nhân được giữ kín. Bệnh nhân cũng được tôn trọng và điều trị như những bệnh nhân không bị HIV.
Để bảo vệ an toàn cho đội ngũ BS và điều dưỡng, BV Chợ Rẫy ban hành quy trình chống nhiễm khuẩn bệnh viện và yêu cầu BS, điều dưỡng thực hiện nghiêm túc. “Do thực hiện nghiêm túc quy trình này, đến nay khoa Cấp cứu chưa ghi nhận trường hợp BS, điều dưỡng nào phơi nhiễm HIV” - BS Khiêm cho biết.
19 BS và điều dưỡng phải xét nghiệm HIV lần 2 Ngày 29-7, 19 BS và điều dưỡng BV Phụ sản Hà Nội sẽ được xét nghiệm lần 2 để khẳng định họ có nhiễm HIV hay không. Trước đó, ngày 4-7, trong khi phẫu thuật cấp cứu cho một phụ nữ bị xuất huyết âm đạo trong tình trạng nguy kịch, tất cả 19 BS và điều dưỡng này không hay biết người phụ nữ này bị nhiễm HIV, bởi vậy họ đối mặt với nguy cơ bị phơi nhiễm HIV. Các kết quả xét nghiệm sau đó đối với các nhân viên y tế này đều cho kết quả âm tính với HIV. Tuy vậy các y, BS vẫn tiếp tục được chỉ định uống thuốc dự phòng phơi nhiễm HIV. Bộ Y tế đã quyết định khen thưởng toàn bộ kíp trực cấp cứu BV Phụ sản Hà Nội vì hành động cao đẹp, bất chấp hiểm nguy, tất cả vì người bệnh. 5 trường hợp BS, điều dưỡng, thực tập sinh BV Từ Dũ bị phơi nhiễm HIV từ đầu năm 2015 đến nay. Mỗi ngày có khoảng 200 sản phụ sinh con tại BV Từ Dũ, trong quá trình chăm sóc, đỡ đẻ hoặc mổ bắt con, BS hoặc điều dưỡng không thể tránh khỏi những sự cố liên quan đến sản phụ bị HIV. |