Trước đó, 22 giờ ngày 2-6, bệnh nhi HTL (bốn tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội)được gia đình đưa vào cấp cứu tại BV Bạch Mai trong tình trạng khó thở, mệt lả, nhịp tim chậm dần chỉ còn 40-50 lần/phút. Theo nhận định ban đầu của bác sĩ (BS) trực cấp cứu, đó là biểu hiện suy tim, suy hô hấp. Tình trạng này diễn biến nhanh và có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Kíp trực đã hội chẩn nhanh và xác định nuyên nhân ban đầu là bệnh nhi bị viêm cơ tim cấp, có biến chứng rối loạn nhịp tim và suy hô hấp. Lập tức, bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy, dùng các thuốc trợ tim.
BS Quý đang thăm khám cho bệnh nhi.
Mặc dù đã xác định được nguyên nhân và điều trị tích cực ngay khi mới nhập viện nhưng tình trạng của bệnh nhi vẫn tiếp tục diễn biến nặng lên trong hai ngày đầu. Tuy nhiên, đến ngày thứ ba thì sức khỏe của bé tiến triển theo hướng thuận lợi. Sau bốn ngày, bệnh nhi đã cai được máy thở, tỉnh táo, nói chuyện được. Đến ngày 12-6 bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh và xuất viện.
BS Quý cho biết trường hợp của bé L. là trường hợp viêm cơ tim nặng do khi vào viện bé đã có biểu hiện suy tim rất nặng, loạn nhịp tim (nhịp chậm), nguy cơ ngừng tim rất cao.
Theo BS Quý, ở trẻ em, các biểu hiện của viêm cơ tim thường bị các triệu chứng của bệnh lý khác che mờ như khó thở và suy hô hấp. Do đó, nếu không có sự thăm khám một cách toàn diện và không nghĩ đến viêm cơ tim thì dễ bỏ sót chẩn đoán và đưa ra quyết định điều trị không chính xác ngay từ đầu.
BS Quý khuyến cáo viêm cơ tim cấp là bệnh ít gặp ở trẻ em, mỗi năm khoa Nhi - BV Bạch Mai chỉ có vài trường hợp, nguyên nhân thường gặp là do virus. Bệnh diễn biến nhanh và các triệu chứng của bệnh lại không đặc hiệu, chỉ đến khi trẻ có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, mệt nhiều, nôn nhiều, bỏ bú (ở trẻ bú mẹ) thì gia đình mới chú ý để đưa trẻ đi khám.
Do vậy khi trẻ có dấu hiệu bị ốm đặc biệt là các dấu hiệu trẻ mệt nhiều, ngủ nhiều, li bì, nôn nhiều hoặc ăn kém thì phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.