Bác sĩ Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết bệnh nhân bị bỏng xăng với diện tích 82% cơ thể, bỏng sâu với 60%, gia đình từng xin về vì nghĩ không còn cơ hội.
Nhưng sau 102 ngày điều trị, chàng trai 21 tuổi Nguyễn Thanh Tứng đã được xuất viện. Trong quá trình điều trị, các BS đã đặt quyết tâm rất cao là cứu sống bằng được bệnh nhân. Trải qua 14 lần thực hiện phẫu thuật, trong đó 4 lần cắt lọc hoại tử, 1 lần phẫu thuật cắt đoạn 2 chi, 9 lần thực hiện ghép da, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
“Từ năm 1990 đến nay, đây là ca bỏng nặng thứ 3, đã được cứu sống tại BV Chợ Rẫy, tuy nhiên đây là ca nặng nhất. Có được sự thành công này là nhờ sự phối hợp nhuần nhuyễn của các BS trong nhiều chuyên khoa tại BV, việc sử dụng kháng sinh phù hợp, đúng phác đồ, đặc biệt là ưu thế nổi trội của kĩ thuật ghép lấy từ da đầu và da đồng loại, từ nguồn cho da là của người thân. Tổng chi phí cho BN trên hết 215 triệu đồng. Dù được xuất viện nhưng bệnh nhân Tứng sẽ tiếp tục phải trải qua nhiều năm tập vật lý trị liệu, phẫu thuật điều trị chống sẹo co rút, đề hòa nhập cuộc sống”, BS Hiệp cho biết.
Được biết, khi nhập viện, được các bác sĩ thông báo tình hình, gia đình anh Tứng đã tuyệt vọng và có ý định xin con về chờ chết.
Tại khoa Bỏng -Tạo hình BV Chợ Rẫy (TP HCM), chị Nguyễn Thị Thu, mẹ bệnh nhân Tứng không giấu được xúc động khi cầm trên tay tờ giấy xuất viện. Sau hơn 3 tháng cùng con trai chiến đấu với những ngày tưởng chừng như vô vọng, chị đã có thể cùng con trở về nhà.
Chị Thu nhớ lại phút giây kinh hoàng những ngày cuối tháng 2-2016. “Tứng sửa xe nên tháo bình xăng ra, không hiểu hút thuốc thế nào mà lửa bốc lên dữ dội. Tui không biết nên tạt nước vô, lửa càng bốc lớn, tới khi dập tắt được ngọn lửa hung tàn, toàn thân con đã bị lột da”, chị Thu kể.
Sau khi được chuyển đến BV và được các bác sĩ chuyển thẳng lên BV Chợ Rẫy, chị Thu không rời con nửa bước và nguyện cầu con trai có thể vượt qua cơn hoạn nạn. Nhưng, khi nghe bác sĩ thông báo, tình trạng bỏng lên tới trên 80%, hoại tử cẳng chân nên phải cắt cụt, tiến hành phẫu thuật ghép da, chị Thu đã xin được đưa con trở về.
“Bác sĩ bảo, nặng như vậy, tiên lượng thành công không cao, hơn nữa gia đình tui cũng khó khăn, để thực hiện các cuộc phẫu thuật cắt chi và ghép da, hết hàng trăm triệu đồng, nên tui xin đưa con về. Bác sĩ động viện “còn nước còn tát”, không phải lo vấn đề chi phí, bệnh viện sẽ vận động mạnh thường quân, tui chỉ biết ôm mặt khóc. Không ngờ có ngày này, con được bình phục sau hàng chục lần ghép da”, chị Thu cho biết.