Ngày 17-4, BS CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc chuyên môn BV đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết BV vừa sử dụng kỹ thuật dẫn lưu não thất phối hợp thuốc tiêu sợi huyết não thất cứu sống một bệnh nhân xuất huyết não thất nguy kịch.
Bệnh nhân là anh TMT (37 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị nhức đầu ba ngày uống thuốc không hết. Sau đó anh hôn mê sâu, sốt cao, mạch nhanh, huyết áp 200/100 mmHg và được đưa vào BV cấp cứu.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CLVT) sọ não cho thấy có tình trạng chảy máu não tràn vào hệ thống não thất, gây giãn toàn bộ hệ thống não thất, nguy cơ tử vong gần như hoàn toàn nếu không xử trí kịp thời.
Cuộc hội chẩn khẩn được tiến hành ngay trong đêm và quyết định đặt ống thông dẫn lưu não thất ra ngoài nhằm làm giảm áp lực nội sọ cho bệnh nhân.
Kết quả CLVT sọ não kiểm tra sau mổ cho thấy hệ thống não thất đã bớt giãn nhưng vẫn còn tụ máu nhiều, khả năng tắc ống dẫn lưu là rất cao. Lúc này, êkíp tiếp tục bơm thuốc tiêu sợi huyết vào não thất thông qua ống dẫn lưu kết hợp theo dõi áp lực nội sọ liên tục.
Kết quả CLVT tuần thứ nhất sau mổ tốt ngoài mong đợi, máu tụ trong não thất giảm đáng kể, bệnh nhân tri giác cải thiện, giảm sốt và đã được rút ống dẫn lưu não thất.
Hiện tại bệnh nhân đã mở mắt tự nhiên, có thể làm theo y lệnh, tự thở tốt, hết sốt, huyết áp ổn định và được chuyển sang giai đoạn tập vật lý trị liệu để phục hồi.
Bác sĩ thăm khám bệnh nhân. Ảnh: HẢI DƯƠNG
Theo các bác sĩ, tỉ lệ tử vong do xuất huyết não thất có thể lên đến 80%. Điều trị phẫu thuật hiện tại đối với giãn não thất chủ yếu là đặt dẫn lưu não thất ra ngoài. Tuy nhiên, một trở ngại hay gặp là hệ thống này hay bị tắc bởi máu đông trong não thất, dẫn đến mục tiêu làm giảm áp lực nội sọ không đạt được.
Tiêu sợi huyết não thất là kỹ thuật mới đã được áp dụng tại một số trung tâm điều trị đột quỵ lớn của cả nước và lần đầu tiên thực hiện tại BV đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng như lần đầu tiên tại ĐBSCL.
Việc áp dụng thành công kỹ thuật bơm thuốc tiêu sợi huyết não thất sẽ mang đến cơ hội sống và phục hồi cho bệnh nhân xuất huyết não nguy kịch. Giảm bớt gánh nặng, chi phí điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.