“Cải cách mà không có phản đối thì không phải là cải cách. Sự phản đối là đương nhiên và phải vượt qua”. Đó là câu nói ấn tượng và cũng là thông điệp xuyên suốt của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair tại Hội thảo về vai trò mới của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong nền kinh tế - kinh nghiệm và bài học cho Việt Nam diễn ra sáng 4-3. Hội thảo có sự tham gia của nhiều bộ, ngành và 14 lãnh đạo, tập đoàn, tổng công ty Việt Nam.
Điều quan trọng là người dân được lợi
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết 20 năm qua Việt Nam không ngừng cải cách DNNN và đã giảm từ 12.000 đến nay còn khoảng 800 DN 100% vốn nhà nước, còn lại đã cổ phần hóa. Mặc dù vậy DNNN vẫn đang được giao quản lý khối tài sản lớn, trong đó vốn nhà nước 1,1 triệu tỉ đồng. Vốn nhà nước cũng đang chi phối rất nhiều ngành, lĩnh vực. Tỉ trọng cổ phần hóa rất thấp, nhất là đối với các tập đoàn lớn, thậm chí có tập đoàn cổ phần hóa nhưng mới có 5% bán ra ngoài. Như vậy cổ phần hóa không có gì thay đổi, nhân sự không thay đổi, quản trị DN cũng không thay đổi,
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy những cải cách này như thế nào để tạo ra sự thịnh vượng trong những năm tới? Ông Tony Blair cho rằng cải cách DNNN chính là một phần để tạo ra những thay đổi đó. “Cải cách có tạo ra được sự thịnh vượng hay không là ở chỗ làm sao sự cải cách ấy tạo thay đổi cho cuộc sống người dân, người dân có được lợi hay không” - cựu thủ tướng Anh nói. Theo ông, vấn đề khó nhất là đưa ra được những ý tưởng tốt và thực hiện được nó.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Tony Blair. Ảnh: TTXVN
“Tất cả cải cách và thay đổi đều khó khăn. Mọi cải cách đều có cản trở. Kinh nghiệm của tôi là cải cách DNNN gắn liền với hợp tác công tư, thu hút FDI, để làm sao khu vực tư nhân Việt Nam có thể phát triển được” - ông Tony Blair nói.
Đề cập đến cải cách những năm 1980 khi các nước phương Đông đang tiến hành mở cửa, cả nền kinh tế Việt Nam cũng bắt đầu mở cửa với bên ngoài, ở phương Tây là quá trình tư nhân hóa DNNN lớn, vị cựu thủ tướng Anh nói: “Chúng ta phải hiểu được cả việc mở cửa và tư nhân hóa DNNN ở phương Tây đầu tiên đều bị phản đối. Kết quả của những đổi mới đó là sự thịnh vượng của người dân được gia tăng. Chẳng hạn như ở Anh, lúc đó chúng tôi phản đối nhưng khi lên nắm quyền chúng tôi cũng thực hiện vì điều quan trọng cuối cùng là người dân được lợi và kinh tế đi lên”.
Đưa ra cái gì ai cũng gật thì không có gì đổi mới
Theo cựu thủ tướng Anh, nếu thị trường không được vận hành tốt thì xảy ra nhiều vấn đề. “Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, công nghệ cũng đang làm thay đổi cách điều hành. Sự thay đổi diễn ra hằng ngày hằng giờ, như vậy quản lý cũng phải thay đổi và luôn sáng tạo, tận dụng những thay đổi đang diễn ra, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay” - ông lưu ý.
Các vấn đề liên quan đến chủ sở hữu và sắp xếp nhân sự trong DNNN, vai trò của DNNN trong điều tiết thị trường cũng như vấn đề công khai, minh bạch trong quá trình cải cách DNNN như thế nào đã được nhiều chuyên gia kinh tế và DN Việt Nam đặt ra.
Giải đáp các vấn đề này, ông Tony Blair cho biết ở các nước, quá trình tư nhân hóa đều gặp nhiều sự phản đối của lao động nhưng đến nay hầu như điều này không còn nữa bởi tư nhân cũng phải đầu tư cho lao động và họ cũng còn đầu tư nhiều hơn. Trước đây, rất khó thay đổi năng lực của nhân viên nhưng tư nhân hóa thì thay đổi rất lớn. “Như trước đây, tư nhân hóa ngành viễn thông ở Anh gặp chống đối lớn, tôi suốt ngày phải giải trình” - ông kể.
“Trong 30 năm qua, các nước cởi mở hơn, sở hữu nhà nước ít hơn thì đều làm tốt hơn. Do đó vấn đề thực sự ở đây là làm thế nào cho hiệu quả chứ không phải có làm hay không” - ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nhà nước là người điều tiết cực kỳ quan trọng.
Trả lời câu hỏi của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, về cách xử lý những luồng ý kiến phản đối trong nội bộ khi thực hiện cải cách DNNN, vị cựu thủ tướng Anh chia sẻ: “Khi chúng tôi cải cách giáo dục, cải cách nhà trường, chúng tôi chọn trường mà người dân cho rằng rất kém để người ta không thể lập luận mô hình hiện tại là hiệu quả, tất nhiên là người ta cũng có phản đối. Phải chọn cẩn thận để làm sao thực hiện có kết quả. Phải chọn được các dự án điển hình và thiết thực để chỉ cho mọi người nhân rộng”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng đồng tình trong quá trình đổi mới của chúng ta thì không thể không gặp những điều không đồng thuận. “Việc phản biện ấy làm cho chúng ta tốt hơn nên không có gì phải ngại khi đưa ra những quan điểm mới. Nếu cứ suôn sẻ, đưa ra cái gì ai cũng gật thì không có gì đổi mới cả” - Bộ trưởng Vinh khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair Chiều 4-3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Tại buổi tiếp, Thủ tướng cho biết Việt Nam tiếp tục kiên định con đường hoàn thiện nền kinh tế thị trường và hội nhập sâu rộng với thế giới. Mặc dù đã có những thành tựu cơ bản song cũng còn nhiều khó khăn, thách thức và rất nhiều việc phải làm. Do đó Thủ tướng mong muốn ông Tony Blair tiếp tục các hoạt động tư vấn chính sách cho Việt Nam, đồng thời giới thiệu các DN lớn, có uy tín trên thế giới đến Việt Nam đầu tư lâu dài, tham gia vào các dự án, công trình lớn hoặc trở thành cổ đông chiến lược trong các DN cổ phần hóa của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn với uy tín và kinh nghiệm của mình, ông Tony Blair sẽ tiếp tục có những đóng góp thiết thực và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương quốc Anh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, GD&ĐT và khoa học kỹ thuật. Phát biểu tại buổi tiếp, ông Tony Blair đánh giá cao những thành tựu phát triển của Việt Nam cũng như quyết tâm của Việt Nam trên con đường đổi mới, mở cửa, đồng thời cho rằng với những kết quả phát triển và hội nhập đã đạt được, đây là thời điểm để Việt Nam nâng tầm phát triển lên một bước mới. Cũng trong chiều 4-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. |