Theo nghiên cứu trên Tạp chí Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, tiêu thụ bia vừa phải có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ mật độ xương và giảm nguy cơ sỏi thận. Tuy nhiên, lạm dụng bia có thể gây tăng cân, tổn thương gan và gây nghiện, vì vậy cần cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro.
Sức khỏe tim mạch
Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ bia vừa phải có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch nhờ polyphenol, với tác dụng chống oxy hóa, giảm viêm và cải thiện chức năng nội mô. Uống bia vừa phải còn giúp giảm nguy cơ bệnh tim và cải thiện độ linh hoạt của mạch máu. Tuy nhiên, lạm dụng bia sẽ làm giảm các lợi ích này và tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe.
Sức khỏe xương
Báo cáo của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) chỉ ra rằng bia là nguồn silicon dồi dào, có thể giúp cải thiện sức khỏe xương và tăng mật độ khoáng xương, đặc biệt ở người tiêu thụ bia vừa phải. Tuy nhiên, việc tiêu thụ cần được điều chỉnh hợp lý, theo khuyến cáo của các tổ chức y tế như WHO.
Sỏi thận
Bia có thể giảm nguy cơ sỏi thận nhờ hàm lượng nước cao và tính lợi tiểu, giúp loại bỏ độc tố và ngăn ngừa kết tinh khoáng chất. Một số nghiên cứu cũng cho thấy các hợp chất trong bia có thể ức chế sự hình thành sỏi thận.
Tăng cân
Nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ bia, đặc biệt là với lượng lớn, có thể dẫn đến tăng cân do hàm lượng calo cao và khả năng kích thích cảm giác thèm ăn. Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Nội tiết và Chuyển hóa Lâm sàng, việc uống bia thường xuyên, đặc biệt là với số lượng lớn, liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ mỡ trong cơ thể.
Nguy cơ gây nghiện
Bia, đặc biệt khi tiêu thụ quá mức, có thể gây nghiện nghiêm trọng do hàm lượng cồn, dẫn đến tình trạng nghiện rượu và rối loạn sử dụng rượu (AUD). Nghiên cứu trên Tạp chí Nghiện chỉ ra rằng những người uống rượu thường xuyên, bao gồm bia, có nguy cơ cao mắc phải chứng nghiện.
Lượng khuyến nghị
Theo một nghiên cứu được công bố trên Plos One, tiêu thụ bia ở mức độ vừa phải là tối đa một lon bia 330 ml mỗi ngày (chứa khoảng 5% cồn) đối với phụ nữ và tối đa hai lon đối với nam giới, phù hợp với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mặt khác, Dịch vụ Y tế Quốc gia đã định nghĩa đơn vị cồn là lượng cồn nguyên chất trong một đồ uống, theo The Times of India.