Ông Hatoyama gánh chịu nhiều chỉ trích sau chuyến thăm Trung Quốc
Theo Thời báo Nhật Bản, tuyên bố trên được ông Hatoyama đưa ra trước các phóng viên hôm 16/1 sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì và ông Giả Khánh Lâm, Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một cơ quan tư vấn chính trị hàng đầu của Trung Quốc.
“Chính phủ Nhật Bản nói rằng không có tranh chấp lãnh thổ nào (giữa hai nước). Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, rõ ràng có tranh chấp. Trong khi thừa nhận những khác biết về quan điểm cũng như sự tồn tại của tranh chấp, điều quan trọng (đối với hai chính phủ) đó là tìm một giải pháp qua đối thoại”, ông Hatoyama nói. “Nếu bạn cứ nói rằng "không có tranh chấp lãnh thổ nào hết", bạn sẽ không tìm được câu trả lời”.
Ngay sau khi phát biểu của ông Hatoyama được báo giới Nhật và Trung Quốc đăng tải, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã khẳng định rằng: “Đây là một điều cực kỳ đáng tiếc khi một người từng là Thủ tướng Nhật lại phát biểu vậy”. Và rằng tuyên bố này “rõ ràng đi ngược lại lập trường của đất nước chúng tôi”.
Trong khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera còn tỏ ra giận dữ hơn khi tuyên bố ông Hatoyama là “kẻ phản bội”. “Đây là một điểm trừ lớn cho Nhật Bản. Trung Quốc sẽ lợi dụng câu nói đó để nói rằng có tranh chấp và dẫn dắt dư luận thế giới. Đây là lần đầu tiên sau một thời gian dài, từ “kẻ phản bội” xuất hiện trong đầu tôi”, tờ Straits Times trích dẫn tuyên bố của ông Onodera trên một bản tin của truyền hình Nhật.
Theo tờ báo này thì nếu Trung Quốc thực sự muốn gửi đi một thông điệp về ý định điều đình với Tokyo thông qua Hatoyama thì họ đã thất bại. Bởi vị cựu Thủ tướng bị nhiều người Nhật xem là vừa không đáng tin vừa đáng xem thường.
Về mặt chính thức, chính phủ Nhật Bản hiện quả quyết không có tranh chấp về lãnh thổ nào đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhiều lần nhắc nhở Trung Quốc rằng đó là vùng lãnh thổ rõ ràng của Nhật và “không có gì để thương lượng”.
Trong một động thái được xem như nhằm hàn gắn mối quan hệ, ông Giả được cho là đã nói với ông Hatoyama rằng cả hai nước nên xem trọng mối quan hệ chiến lược vì lợi ích của đôi bên và tiếp tục phát triển mối quan hệ đó. Tuy nhiên, theo quan sát của tờ Straits Times, báo giới Nhật không hề đả động đến chi tiết này khiến chuyến thăm Trung Quốc của ông Hatoyama chẳng mấy được chú ý.
Có một điều lạ là chuyến thăm Trung Quốc nêu trên diễn ra gần như đồng thời với chuyến công du 3 nước Đông Nam Á của Thủ tướng Shinzo Abe. Thời báo Hoàn Cầu đã miêu tả chuyến công du này là nhằm “bao vây Trung Quốc”.
Ngoài phát biểu gây tranh cãi trên, ông Hatoyama còn đến thăm đài tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát Nam Kinh và nói lời xin lỗi với nhân dân Trung Quốc. “Tôi xin lỗi về những tội ác mà binh lính Nhật đã phạm phải trong thời gian chiến tranh”, tờ Thời báo Hoàn Cầu trích dẫn. Còn trang tin Sina thì dẫn lời vị cựu Thủ tướng Nhật nói rằng: “Là một người Nhật tôi cảm thấy có trách nhiệm đối với thảm kịch đó và tôi ở đây là để bày tỏ lời xin lỗi chân thành”.
Ngay sau đó Thời báo Hoàn Cầu đã vin vào đó để bình luận rằng: “Những tuyên bố và hành động của ông Hatoyama những ngày qua cho thấy, bất chấp bầu không khí căng thẳng, những lực lượng hữu nghị với Trung Quốc không hề biến mất”.
Theo Thanh Tùng tổng hợp (Dân Trí)