Bà Yingluck hiện phải đối mặt với án phạt 10 năm tù giam nếu bị kết tội lơ là trách nhiệm quản lý tài chính trong chương trình trợ giá gạo.
Nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan bị lật đổ chỉ vài ngày trước khi Tham mưu trưởng quân đội - tướng Prayut Chan-o-cha lên nắm quyền điều hành đất nước vào tháng 5-2014.
Bà Yingluck hiện đang phải đối mặt với một loạt thách thức pháp lý. Theo những người ủng hộ bà, những thách thức này xuất phát từ những động cơ mang tính chính trị, bao gồm cuộc bỏ phiếu của cơ quan lập pháp do quân đội chỉ định nhằm cấm bà ấy tham gia chính trường trong năm năm.
Lệnh cấm và phiên tòa xử bà Yingluck đều tập trung vào cáo buộc rằng bà Yingluck đã không ngăn chặn được tình trạng tham nhũng liên quan đến chương trình trợ giá gạo khi bà còn tại chức và khiến Thái Lan thiệt hại hàng tỉ USD.
Các phe đối lập cho rằng đây là cách bà Yingluck sử dụng để làm hài lòng những người nông dân ủng hộ bà ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của Thái Lan.
Bà Yingluck tại phiên tòa ngày 29-9-2015 ở Bangkok. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, bà Yingluck cho rằng bà đã bảo vệ chính sách trợ giá gạo nhằm giúp nông dân thoát khỏi đói nghèo sau hàng thập kỷ bị giới chức quyền lực giàu có của Bangkok xao nhãng.
Các nhà phân tích cho rằng phiên tòa xét xử tham nhũng bà Yingluck được sử dụng để hợp pháp hóa cuộc đảo chính và nâng cao thanh danh của chính quyền quân sự khi mạnh tay quét sạch tham nhũng.
Thủ tướng Prayut cam kết chấm dứt tình trạng lịch sử trợ giá cho khu vực nông thôn, chương trình này đã kéo dài từ lâu và rất tốn kém.
Tuy vậy, chính quyền của ông Prayut đã bị cáo buộc sử dụng tiêu chuẩn kép khi tuần trước họ đã mua hàng ngàn tấn cao su với giá cao hơn thị trường sau các cuộc biểu tình và đe dọa của những người nông dân.
Không giống với nông dân trồng lúa, những người hoàn toàn ủng hộ gia đình Shinawatra, những người nông dân trồng cao su ở miền Nam Thái Lan lại đóng vai trò then chốt trong cuộc bạo động lật đổ chính quyền bà Yingluck.
Vụ xét xử bà Yingluck dự kiến kéo dài tới cuối năm 2016.