Cựu tổng giám đốc Chu Tiến Dũng bị kết án 5 năm tù

(PLO)- Cựu tổng giám đốc CNS Chu Tiến Dũng phải chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại 17,3 tỉ đồng của quỹ khen thưởng CNS.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5, TAND TP.HCM tuyên án vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí do Chu Tiến Dũng, cựu tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS), cùng chín đồng phạm thực hiện.

Ai chịu trách nhiệm chính về số tiền thiệt hại?

Theo đó, HĐXX tuyên phạt Chu Tiến Dũng năm năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Hoành Hoa (cựu chủ tịch HĐTV) bị tuyên phạt bốn năm tù. Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ hai năm tù nhưng cho hưởng án treo đến bốn năm tù.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HỮU ĐĂNG

HĐXX xác định trong giai đoạn 2015-2018, 10 bị cáo trong vụ án đã không thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thiệt hại 22 tỉ đồng. Trong đó, các bị cáo gây thất thoát 17,3 tỉ đồng từ quỹ khen thưởng của CNS và gây thất thoát 4,6 tỉ đồng khi thực hiện thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE.

Theo đó, thời điểm ngày 1-12-2015, Nghị định 91/2015 quy định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, các cá nhân là ban tổng giám đốc CNS, lãnh đạo phòng Tài chính - kế toán CNS đã không ban hành quy chế quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng mới theo quy định tại Nghị định 91 thay thế quy chế cũ để quản lý và sử dụng quỹ khen thưởng.

Có cơ sở để xác định các bị cáo không kiểm tra, xem xét việc chi thưởng mà vẫn duyệt tờ trình/phiếu chi. Sau khi duyệt xong, các bị cáo cũng không kiểm tra việc sử dụng tiền chi thưởng. Tất cả hồ sơ chi thưởng đều không có danh sách cá nhân được khen thưởng… Kết quả là các bị cáo đã duyệt chi trái quy định, gây thất thoát 17,3 tỉ đồng từ quỹ khen thưởng.

Từ đó, HĐXX xác định bị cáo Chu Tiến Dũng phải chịu trách nhiệm chính khi gây thiệt hại 17,3 tỉ đồng của quỹ khen thưởng CNS và là đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Hoành Hoa khi làm thất thoát 4,689 tỉ đồng trong việc thoái vốn đầu tư của CNS tại Công ty cổ phần TIE.

Bị cáo Nguyễn Hoành Hoa là chủ tịch HĐTV CNS đã không thực hiện quyền, nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng để đảm bảo tối đa lợi ích của CNS nên phải chịu trách nhiệm chính đối với số tiền 4,6 tỉ đồng thất thoát trong quá trình thoái vốn tại Công ty cổ phần TIE.

Các bị cáo còn lại giúp sức trong việc làm thất thoát 17,3 tỉ đồng từ quỹ khen thưởng và 4,6 tỉ đồng từ việc thoái vốn phải chịu trách nhiệm trên số tiền đã làm thất thoát.

CNS là DN 100% vốn nhà nước, quỹ khen thưởng thuộc CNS nên đây là tài sản nhà nước và việc chi sai quỹ khen thưởng đã gây thất thoát cho tài sản nhà nước.

Chi sai quỹ khen thưởng là thất thoát tiền nhà nước

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX xác định toàn bộ số tiền thất thoát đã được thu hồi, cạnh đó các bị cáo đã tự nguyện nộp tiền để khắc phục. Do đó, số tiền còn lại mà các bị cáo nộp khắc phục dư sẽ bị tịch thu, sung quỹ nhà nước.

Về việc luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng quỹ khen thưởng không phải là tài sản nhà nước nên sai phạm của các bị cáo không cấu thành tội phạm như VKS truy tố, HĐXX xét thấy CNS là DN 100% vốn nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM.

Việc quản lý, sử dụng quỹ khen thưởng phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Nghị định 91/2015 và quy định có liên quan. Đặc biệt, việc thu - chi phải tuân thủ đúng quy định về pháp luật kế toán.

Tuy nhiên, các bị cáo trong vụ án đã không làm đúng quy định về việc lập, chi khen thưởng cho các cá nhân, tổ chức ngoài CNS nên việc VKS truy tố các bị cáo về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí là có căn cứ. Việc chi sai quỹ khen thưởng đã gây thất thoát cho tài sản nhà nước.

Trước đó, trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng căn cứ theo quy định tại Nghị định 91/2015 và Thông tư 200/2014/TT-BTC, quỹ khen thưởng của CNS không phải là tài sản nhà nước. Đây là khoản tiền được phân phối từ lợi nhuận sau thuế, được hạch toán vào tài khoản nợ phải trả ngắn hạn và quỹ khen thưởng không phải là vốn chủ sở hữu.

Đối đáp lại, đại diện VKS khẳng định quỹ khen thưởng của CNS là tài sản nhà nước vì CNS là DN 100% vốn nhà nước. Nghị định 91/2015 đã quy định rõ việc sử dụng quỹ của DN nhà nước phải đúng mục đích, đối tượng. CNS là DN nhà nước, quỹ khen thưởng thuộc CNS nên đây là tài sản nhà nước.

Đối với quan điểm cho rằng các bị cáo đã nộp lại toàn bộ số tiền chi khen thưởng sai trước giai đoạn khởi tố vụ án nên vụ án không có hậu quả, HĐXX cho rằng các bị cáo và những người liên quan nộp lại số tiền thất thoát khi cơ quan chức năng phát hiện sự việc. Việc các bị cáo nộp lại tiền chỉ nhằm mục đích khắc phục hậu quả tội phạm. Hành vi phạm tội mà các bị cáo thực hiện hoàn thành từ thời điểm tiền được chi nên lập luận cho rằng vụ án không có thiệt hại là không phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm