Theo dự kiến, ngày 12-8 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ xử sơ thẩm vụ bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội) bị truy tố về tội nhận hối lộ.
Ba cựu thuộc cấp của ông Lê cùng bị truy tố về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù gồm Nguyễn Đức Châu (cựu đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự), Vũ Công Ngọc (cựu đội phó Đội Cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (cựu đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp).
Liên quan đến vụ án, nhiều lãnh đạo, cán bộ Công an quận Tây Hồ bị xác định biết việc Phùng Anh Lê chỉ đạo tha người trái pháp luật nhưng đã không làm hết chức trách, nhiệm vụ theo quy định. Dù vậy, hành vi này chưa đủ dấu hiệu để xử lý hình sự nên cơ quan điều tra kiến nghị xử lý về mặt Đảng và chính quyền.
Đối với nhóm ông Phùng Văn Bảy và người nhà Nguyễn Hữu Tài, hành vi chuẩn bị rồi đưa 110 triệu đồng cho bị cáo Lê có dấu hiệu đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Tuy nhiên, tại thời điểm đưa tiền, những người này chỉ nhận thức rằng mục đích là để Tài hòa giải với bị hại chứ không đề nghị thực hiện hành vi tha người trái pháp luật. Nhóm ông Bảy đã thành khẩn khai báo, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra… nên không bị xử lý hình sự.
Thả người ngay trong đêm
Đến nay, có tổng số bảy luật sư đăng ký bào chữa cho bị cáo Phùng Anh Lê, bốn luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Châu. HĐXX cũng triệu tập hai người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 12 người làm chứng.
Tháng 9-2016, anh Nguyễn Công Thành (trú tại TP Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ trình báo về việc bị một nhóm đối tượng bắt giữ và đánh đập để đòi nợ số tiền 4 triệu đồng. Vào cuộc xác minh, công an xác định Nguyễn Hữu Tài (trú tại Hà Nội, đối tượng chuyên cho vay lãi nặng) là nghi phạm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Ngày 22-9-2016, Tài đến Công an quận Tây Hồ để đầu thú, bị tạm giữ hình sự ba ngày, kể từ 21 giờ ngày 22-9 đến 21 giờ ngày 25-9. Do lo sợ Tài bị xử lý, người nhà của Tài tìm đến ông Phùng Văn Bảy (họ hàng với ông Phùng Anh Lê) để nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đặt vấn đề với bị cáo Lê và được cựu trưởng công an quận yêu cầu chi 110 triệu đồng để “bồi thường cho bị hại”.
Tối cùng ngày, người nhà Tài chuẩn bị 103 triệu đồng đưa cho ông Bảy tại khu vực cổng Công an quận Tây Hồ. Ông Bảy bỏ thêm 7 triệu đồng cho đủ 110 triệu đồng rồi vào gặp bị cáo Lê. Tại phòng làm việc, ông Bảy đưa bọc tiền cho cựu trưởng công an quận. Đến rạng sáng 23-9, Tài được thả ra khỏi nhà tạm giữ.
Bị cáo Phùng Anh Lê, cựu trưởng Công an quận Tây Hồ. Ảnh: ANTĐ |
Khoảng vài ngày sau, Tài được gọi lên trụ sở công an quận để hòa giải với anh Công. Dưới sự chứng kiến của điều tra viên, anh Công đồng ý hòa giải và để Tài bồi thường 15 triệu đồng. Tài không bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Mãi đến năm 2021, Công an TP Hà Nội phát hiện hành vi của Tài chưa bị xử lý nên vào cuộc điều tra. Tháng 1-2021, nhóm của Tài bị Công an TP Hà Nội khởi tố, đến tháng 4-2021 thì bị TAND TP Hà Nội xét xử và tuyên án tù về tội cướp tài sản.
Đồng thời, nhận thấy có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp xảy ra tại Công an quận Tây Hồ, Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ đến CQĐT VKSND Tối cao để điều tra theo thẩm quyền.
“Quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được”
Kết quả điều tra cho thấy sau khi nhận tiền từ ông Bảy, khoảng 23 giờ ngày 22-9, bị cáo Lê gọi điện thoại yêu cầu cấp dưới mang hồ sơ vụ việc của Tài lên phòng làm việc. Tại đây, ông Lê cho rằng căn cứ tạm giữ đối với Tài “còn yếu” và yêu cầu bị cáo Ngọc đến nhà tạm giữ nhận bàn giao Tài để cho về. Dù bị cáo Ngọc nói rằng muốn thả Tài thì phải có quyết định của người có thẩm quyền nhưng bị cáo Lê vẫn cương quyết yêu cầu thực hiện.
Tiếp đó, bị cáo Ngọc gặp bị cáo Châu để báo cáo về việc ông Lê yêu cầu. Biết rõ việc này là trái quy định, bị cáo Châu vẫn đồng ý để Ngọc thực hiện, còn nói thêm “trưởng quận đã quyết như vậy thì anh em mình phải thực hiện, không cưỡng lại được”.
Khoảng 0 giờ 15 ngày 23-9, Ngọc đến nhà tạm giữ, gặp bị cáo Trung thông báo ý kiến chỉ đạo bằng miệng của ông Lê. Trung không đồng ý thả người nên Ngọc gọi điện thoại cho ông Lê. Bị cáo Lê chỉ đạo Trung không tạm giữ Tài nữa.
Trung tiếp tục gọi điện thoại báo cáo với một phó trưởng công an quận và đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thì được nói rằng “sếp đã chỉ đạo thế thì cứ thực hiện”, “quận này của sếp cả, muốn làm gì chả được”.
15 phút sau, Tài được đưa ra khỏi nhà tạm giữ để cho về nhà mà không hề có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo quy định.
VKSND Tối cao xác định ba bị cáo Châu, Ngọc, Trung đều nhận thức được hành vi của mình thực hiện theo chỉ đạo của Phùng Anh Lê là trái pháp luật nhưng trước và sau khi thực hiện đã không báo cáo lên cấp có thẩm quyền và không thông báo cho VKS cùng cấp biết nên phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra.
Ban đầu, ông Lê bị khởi tố và bắt tạm giam về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, sau đó được chuyển tội danh sang nhận hối lộ.
Cựu đại tá “chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới”
Quá trình điều tra, bị cáo Phùng Anh Lê bị đánh giá không thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, ngoan cố chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới; không thừa nhận việc chiếm hưởng 110 triệu đồng từ ông Phùng Văn Bảy để tha Nguyễn Hữu Tài trái pháp luật.Khi Tài cùng đồng phạm bị phát hiện, xử lý, vợ chồng bị cáo Lê chủ động đến gặp ông Bảy để trao đổi, qua đó lồng ghép vào cuộc nói chuyện một số thông tin để làm mờ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo còn yêu cầu ông Bảy viết thư xin lỗi nộp cho cơ quan điều tra nhằm chứng minh mình không phạm tội.
Tuy nhiên, khi thực hiện đối chất, ông Bảy nhiều lần khẳng định đã đưa 110 triệu đồng cho bị cáo Lê để nhờ giúp Tài. Khai về cuộc nói chuyện với vợ chồng bị cáo và lá thư xin lỗi, ông Bảy cho hay do suy nghĩ hoảng loạn, lo sợ ảnh hưởng đến gia đình và được vợ của bị cáo Lê hướng dẫn nên từng khai rằng bị ép cung, mớm cung. Về bản chất sự việc, ông Bảy giữ nguyên các nội dung đã khai.
Do đó, VKS khẳng định các nội dung, tài liệu mà bị cáo viện dẫn để cho rằng không phạm tội là không khách quan, không phù hợp với các chứng cứ có trong hồ sơ nên không có căn cứ xem xét.