Đã có gần 3.500 doanh nghiệp nhỏ TP.HCM ký vào thư 'kêu cứu'

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số liệu từ cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (DN) mới cập nhật cho thấy trong tháng 8 vừa qua, số DN ký thành lập mới và số vốn đăng ký sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. 

Cụ thể, số DN đăng ký thành lập mới trong tháng 8 là 5.761 DN với số vốn đăng ký là 67.956 tỉ đồng, giảm 57% về số DN và giảm 76,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ; giảm 34,1% về số DN và giảm 44,6% về vốn đăng ký so với tháng 7.

Đây là số DN đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký thành lập trong tháng thấp nhất giai đoạn 2016-2021.

Số DN thành lập mới trong tháng 8 chỉ bằng một nửa so với mức trung bình tháng 8 của giai đoạn 2016-2020. Trung bình giai đoạn này có 11.584 DN đăng ký thành lập.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc số lượng DN đăng ký mới sụt giảm thê thảm trong tháng vừa qua.

Thứ nhất là đó tình hình dịch Covid-19 phức tạp dẫn đến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nặng nề đến việc gia nhập thị trường của DN. Trong đó nhiều địa phương có số lượng DN lớn thực hiện giãn cách xã hội như tại TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai...

Thứ hai, là do trong kỳ báo cáo tháng 8 có 15 ngày trùng với tháng 7 âm lịch (tháng Ngâu).

Tính riêng tại TP.HCM, trong 8 tháng đầu năm nay có 24.010 DN rút lui khỏi thị trường (chiếm 28,1% số DN rút lui của cả nước), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Còn số DN tạm ngừng kinh doanh từ đầu năm đến nay là 12.621 (chiếm 29,2% số DN tạm ngừng kinh doanh của cả nước), tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trên thực tế, hiện nay tất cả DN vừa và nhỏ (SMEs) tại khu vực phía Nam đang đối mặt với muôn vàn khó khăn do đại dịch diễn biến phức tạp và kéo dài.

Các DN SMEs đang gặp phải hàng loạt khó khăn đó là đã ngừng hẳn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc hạn chế hoạt động. Khó khăn tiếp theo là chi phí tăng cao do những phát sinh xét nghiệm ba ngày một lần, ăn ở cho người lao động khi thực hiện 3 tại chỗ…

Mặc dù tạm ngừng hoạt động nhưng DN vẫn phải trả chi phí mặt bằng, kho bãi, bảo hiểm xã hội, 100% lương cho công nhân. Rất nhiều DN có doanh thu ở mốc 0%.

Trước thực trạng trên, các DN SMEs tại TP.HCM vừa gửi kiến nghị lên Chính phủ nhằm sớm ban hành các quyết sách cứu doanh nghiệp. Các kiến nghị được chia làm ba nhóm gồm chính sách liên quan đến người lao động, chính sách thuế và chi phí và chính tài chính - ngân hàng.

Riêng với nhóm chính sách liên quan đến ngân hàng, SMEs kiến nghị Chính Phủ cấp nguồn cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp trong vòng 24 tháng trong và sau dịch. Nguồn vay có thể vay 10-20% từ nguồn quỹ BHXH hiện có, hoặc các nguồn khác do Chính Phủ kiểm soát và quyết định.  

Hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1-8-2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch.

Cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài.

Đồng thời, khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3%/năm kể từ 1-8-2021 đến sáu tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các doanh nghiệp còn lại.

Tính đến 3h30 chiều ngày 3-9, sau gần một tuần phát động hiện đã có gần 3.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM ký vào lá thư trực tuyến để gửi đến Chính phủ nhằm "kêu cứu" cho doanh nghiệp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm