Khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp mùa COVID-19

Dịch bệnh đã gây sức ép nặng nề cho các công ty Việt Nam khiến nhiều đơn vị rơi vào tình trạng không còn dòng tiền hoạt động, thậm chí phá sản. Do đó, theo các chuyên gia, một chiến lược cứu doanh nghiệp (DN) cần được thực thi khẩn cấp, từ đó đem đến tác động lan tỏa tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp tốt cho ngân sách.

Chậm cấp cứu

Cuộc khảo sát lần thứ ba vừa được công bố của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đã chỉ ra một bức tranh không mấy sáng sủa cho các công ty Việt. “Làn sóng dịch bệnh lần thứ hai đặc biệt tác động rất lớn đến các DN” - Ban IV đánh giá.

Theo đó, khảo sát với hơn 400 DN và 15 hiệp hội ngành nghề cho thấy chỉ có 2% DN không bị ảnh hưởng bởi COVID-19, còn lại đều bị tác động theo các mức độ khác nhau. Đặc biệt là có đến 20% DN đã phải dừng hoạt động, 76% không cân đối được thu chi và 2% đã giải thể.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, chuyên gia của Ban IV, cho biết thêm rất nhiều công ty trong cuộc khảo sát mới nhất nói rằng họ đã buộc phải cắt giảm giờ làm, tiền lương và lao động. Không chỉ vậy, điều đáng lo nhất trong hiện tại và những tháng tiếp theo là có đến 81% DN cho biết không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; 72% DN lo ngại không biết lấy đâu ra tiền để đảm bảo tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn; 53% DN khó khăn liên quan đến trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi.

Trước khó khăn của cộng đồng DN, thời gian qua Chính phủ đã tung ra các gói hỗ trợ. Tuy nhiên, các gói này còn chậm đến tay DN hoặc chưa phát huy tối đa hiệu quả. Theo khảo sát của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa công bố cho thấy trong bốn gói hỗ trợ chỉ có gói tiền tệ - tín dụng và giảm tiền điện đạt kết quả khả quan, còn lại rất chậm và còn vướng mắc, cần sớm khắc phục.

Ví dụ gói 16.000 tỉ đồng cho vay hỗ trợ trả lương chưa giải ngân được. Nguyên nhân do điều kiện đặt ra còn chưa phù hợp, chưa sát thực tiễn; quy trình, thủ tục phức tạp, xử lý lâu khiến nhiều DN e ngại và nhiều công ty tự xoay xở.

Không chỉ vậy, một số hiệp hội phản ánh nhiều đơn vị thành viên thuê đất của Nhà nước đang phải chịu gánh nặng rất lớn. Nguyên nhân là do điều chỉnh chính sách và cách tính giá thuê đất khiến tiền thuê đất của Nhà nước năm 2020 tăng đột biến. Có những DN phải trả tiền thuê đất cao gấp 3-4 lần so với năm 2019.

Những ngành nghề chịu tác động tiêu cực mạnh nhất của dịch COVID-19 là du lịch, vận tải, dệt may, da giày, bán lẻ và GD&ĐT. Trong ảnh: Hàng loạt DN trả mặt bằng, đóng cửa. Ảnh: P.MINH

Hỗ trợ phải cụ thể, phù hợp thực tế

Các chuyên gia cho rằng cần phải có nhiều hơn nữa các biện pháp cấp bách, thiết thực cứu các DN nội địa. Nếu không làm ngay thì khi cơn bão COVID-19 đi qua, họ có thể còn sống nhưng không thể đứng dậy được và nhường luôn thị trường cho DN ngoại.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, đề xuất các chính sách hỗ trợ DN cần được ưu tiên ban hành nhanh chóng với các điều kiện phù hợp thực tế. “Thay vì tập trung vào hỗ trợ DN kiệt quệ nên hướng đến giúp các đơn vị tiết giảm được dòng tiền chi ra. Qua đó để họ cân đối và sử dụng dòng vốn còn rất mỏng nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ được người lao động và tái cấu trúc DN” - ông Bình nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Bình kiến nghị Nhà nước tiếp tục giảm mạnh các khoản tiền liên quan đến phí, lãi suất, thuế. Điển hình như các loại tiền bảo hiểm, tiền thuê đất, lãi vay ngân hàng, phí công đoàn... Qua đó để DN có thêm nguồn tiền hoạt động, người lao động có thu nhập đảm bảo để từ đó thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng.

TS John Walsh, ĐH RMIT Việt Nam, nhận định đại bộ phận DN Việt Nam có quy mô nhỏ và rất nhỏ nên đang bị ảnh hưởng khá nặng nề. Lực lượng lao động rất lớn, đa phần là những người dễ bị tổn thương do thu nhập khiêm tốn lại đang làm việc cho loại hình DN nêu trên. Vì vậy, cần lưu ý hỗ trợ các DN này. Ngoài ra, sự hỗ trợ nên nhằm vào các lĩnh vực và ngành nghề cụ thể hứa hẹn khả năng phục hồi, phát triển nhanh chóng.

“Một số DN dựa vào xuất khẩu sẽ nằm trong danh mục này nhưng cần có sự tham vấn nhiều hơn với chính quyền địa phương, đại diện DN và người lao động. Từ đó để gói hỗ trợ phát huy hiệu quả tốt nhất” - ông khuyến nghị.

Những giải pháp cần làm ngay

Qua quan sát cách thức thiết kế và thực hiện các chính sách cũng như gói hỗ trợ của các nước, TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV đưa ra một số kiến nghị đối với Việt Nam. Thứ nhất, Chính phủ cần tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ hiện tại, như đã được nhận diện trong thời gian qua.

Hai là Chính phủ cần sớm xây dựng một số chính sách, gói hỗ trợ bổ sung giai đoạn hai với quy mô đủ lớn và thời gian phù hợp có thể từ quý IV-2020 đến hết năm 2021 thì mới có thể giúp người dân, DN vượt khó. Các gói hỗ trợ giai đoạn hai có thể tương đương các gói giai đoạn một, khoảng 2,5% GDP.

Khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp mùa COVID-19 ảnh 2
Các công ty du lịch lao đao vì dịch, cần được hỗ trợ khẩn cấp. Ảnh: TÚ UYÊN

Thứ ba, các gói hỗ trợ cần đảm bảo độ bao phủ đến cả lao động không chính thức (tự do) vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đồng thời đến cả DN nhỏ và lớn vì cả hai đều chịu tác động tiêu cực.

Thứ tư, phải triển khai nhanh, gọn, đúng đối tượng, chuyển hỗ trợ bằng nhiều kênh khác nhau. Trong đó hết sức chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin như dịch vụ Mobile money, ví điện tử… thì mới đảm bảo chính sách nhân văn sớm đi vào cuộc sống. Đồng thời, cần đề xuất có cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.

 “Về điều kiện, tiêu chí DN nhận hỗ trợ, Chính phủ có thể căn cứ ít nhất vào năm tiêu chí chủ yếu, bao gồm: Tính lan tỏa, tức sự tác động tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác; tạo nhiều công ăn việc làm; có khả năng áp dụng công nghệ và năng lượng sạch; có khả năng phục hồi và cam kết không sa thải nhân viên hoặc không quá 10%” - các chuyên gia của BIDV gợi ý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm