Phục hồi kinh tế năm 2022: Doanh nhân mong muốn gì?

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhận định kinh tế năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc hơn khi tình hình dịch bệnh của Việt Nam và thế giới dần được kiểm soát, xuất khẩu tăng tốc và thị trường mua sắm của người dân sẽ hồi phục. Tuy vậy, DN cũng đối mặt với không ít thách thức, khó khăn cần tháo gỡ.

LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM:

Cần tập trung hỗ trợ nguồn vốn vay ngắn hạn

Trong những ngày đầu năm 2022, nhiều công ty tại TP.HCM đã tất bật với các đơn hàng xuất khẩu hàng chục tấn hàng hóa sang các thị trường, dự báo một năm khả quan.

Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất Chính phủ có những gói hỗ trợ đặc biệt cho các DN có khả năng phục hồi nhanh ở các ngành quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội như nông nghiệp, chế biến thực phẩm, dịch vụ... Trong đó tập trung hỗ trợ nguồn vốn vay ngắn hạn, giảm thêm lãi suất vay của các ngân hàng... để sớm tạo sức bật cho nền kinh tế.

Song song đó tiếp tục triển khai gói hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất… nhất là giảm thuế giá trị gia tăng và tăng hỗ trợ an sinh xã hội để góp phần làm tăng tổng cầu của thị trường.

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA):

Quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

Một trong những khó khăn của cộng đồng DN hiện nay là thiếu hụt nguồn lao động, gặp khó về vốn vay để chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất năm 2022. Thực tế tất cả gói hỗ trợ từ Chính phủ đều cần thiết, song cần phải hỗ trợ đúng đối tượng và nên tập trung vào các công ty có thể hoặc đang hoạt động, có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cụ thể. Đồng thời, các gói hỗ trợ nên ưu tiên cho các DN có số lượng lao động lớn bởi lực lượng lao động này chính là người tiêu dùng, người tạo ta nguồn cầu cho TP.HCM.

Nhiều công ty tăng tốc xuất khẩu ngay những ngày đầu năm 2022. Ảnh: QH

Đặc biệt, chúng tôi mong muốn trong năm 2022, lãnh đạo TP.HCM quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường các buổi tiếp xúc với DN. Qua đó rà soát những thủ tục còn gây phiền hà, cắt giảm chi phí, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để DN có cơ hội kinh doanh thuận lợi.

Cộng đồng DN cũng mong muốn các sở, ngành cần khởi động lại chương trình kết nối chuỗi giá trị giữa các DN thuộc các ngành khác nhau, liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; kết nối cung - cầu và giao thương giữa TP với các địa phương khác, hướng đến phát triển liên kết vùng hiệu quả.

Ông PHẠM XUÂN HỒNG,Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3:

Mong kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo lưu thông hàng hóa

Dệt may Việt Nam đang có đơn hàng khá nhiều, trong đó đa số công ty đã ký hợp đồng xuất khẩu hết quý I-2022, một số đơn hàng được ký đến quý II-2022, đủ để doanh nghiệp yên tâm, ổn định sản xuất, tạo phấn khởi cho người lao động.

Tuy nhiên, việc vận chuyển nguyên liệu từ các nước, trong đó có Trung Quốc về Việt Nam gặp một số trở ngại nhất định. Hiện các DN đang phối hợp với khách hàng để thúc đẩy từng bước. Giá nguyên liệu cũng đang tăng lên, ảnh hưởng nhất định đến chi phí sản xuất.

Chi phí sản xuất tăng đã ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả hoạt động của các DN nhưng mục tiêu, yêu cầu trước mắt của chúng tôi là làm sao giữ vững ổn định lực lượng lao động và sản xuất để phát triển trong năm mới.

Điều mong muốn của chúng tôi là Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong lưu thông hàng hóa để DN ổn định sản xuất.

 PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH, chuyên gia kinh tế:

Mở cửa du lịch càng sớm càng có lợi

Dự báo nền kinh tế năm 2022 sẽ tăng trưởng lạc quan. Tuy nhiên, vẫn có những điểm yếu chưa được khắc phục như giải ngân đầu tư công chưa đạt như kế hoạch, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí logistics tăng, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng…

Các DN rất mong mỏi gói hỗ trợ sớm được triển khai bởi họ đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Nhưng các gói hỗ trợ phải công khai, minh bạch về điều kiện, đối tượng. Đặc biệt các gói hỗ trợ cần hướng đến giúp các DN giảm chi phí trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó hạ thấp giá thành và nâng cao sức cạnh tranh.

Bên cạnh hỗ trợ những ngành sản xuất quan trọng như lương thực, thực phẩm, công nghiệp nhẹ, công nghệ thông tin thì cần hỗ trợ ngành du lịch, logistics. Đặc biệt cần mở cửa du lịch càng sớm thì càng có lợi cho nền kinh tế như vận tải, hàng không và nhiều dịch vụ khác.•

 

Kiến nghị áp dụng thủ tục rút gọn cấp bù lãi suất

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11 về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỉ đồng trong hai năm 2022-2023.

Ngân hàng Nhà nước cho hay cơ quan này đang phối hợp với các bộ liên quan để dự thảo nghị định triển khai gói hỗ trợ lãi suất, đồng thời kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng thủ tục rút gọn để ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn để có thể triển khai ngay cấp bù lãi suất sau khi văn bản được ban hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm