Đã đến lúc 'kìm cương' giá vàng

(PLO)- Ngân hàng Nhà nước cần có động thái cụ thể và triển khai ngay các giải pháp can thiệp thị trường càng sớm càng tốt, để "xoa dịu" những bất ổn của thị trường vàng trong nước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong những ngày gần đây, thị trường vàng trong nước dường như đang bước vào “mùa giông bão” khi một mức giá cao kỷ lục vừa kịp hình thành đã nhanh chóng bị xô đổ bởi một kỷ lục mới. Trong cơn tăng giá không ngừng ấy, nhà đầu tư như bị tung hỏa mù vì không biết nên mua vàng miếng SJC hay vàng nhẫn 9999.

Giá vàng 9999 đua nhau bứt phá

Có những phiên giao dịch giá vàng nhẫn 9999 tăng phi mã, bật lên mốc cao kỷ lục thì vàng miếng SJC lại đứng yên, thậm chí quay đầu giảm. Cũng có những thời điểm vàng miếng SJC giảm mạnh trong phiên sáng nhưng nhanh chóng lấy lại hết những gì đã mất ở ngay phiên giao dịch chiều.

Chẳng hạn, trong phiên giao dịch sáng nay, ngày 11-4, giá vàng miếng SJC giảm sốc từ 700.000 – 1.000.000 đồng mỗi lượng, đưa giá giao dịch về quanh ngưỡng 82 – 84 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 9999 lại được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng từ 400.000 – 800.000 đồng mỗi lượng. Theo đó, giá mua - bán vàng nhẫn 9999 dao động từ 74,8 - 76,5 triệu đồng/lượng.

Thậm chí tại một số đơn vị tư nhân như Bảo Tín Minh Châu, Bảo Tín Mạnh Hải còn niêm yết giá vàng nhẫn 9999 ở mức 76,58 – 78,18 triệu đồng/lượng.

Vậy là giờ đây con “virus” bất thường từ vàng miếng SJC đã lây lan sang cả vàng nhẫn 9999. Trước đó, chỉ có vàng miếng SJC do cạn kiệt nguồn cung, cộng thêm yếu tố độc quyền khiến mặt hàng này neo ở mức giá cao vượt hẳn so với vàng thế giới. Còn thời gian gần đây, tình trạng bất thường tương tự cũng đã lan sang cả vàng nhẫn tròn trơn. Trước đó, chênh lệch giữa vàng nhẫn 24K so với giá vàng thế giới chỉ dao động quanh ngưỡng 3 triệu đồng mỗi lượng nhưng thời gian gần đây khoảng cách này có xu hướng ngày càng nới rộng hơn và hiện đang vênh nhau có lúc đến 5 triệu đồng/lượng.

So với đầu năm nay, giá vàng nhẫn 24K đã tăng khoảng 13 triệu đồng một lượng, tương ứng tăng gần 21% giá trị. Trong khi đó vàng miếng SJC tăng khoảng 10 triệu đồng/lượng, tương đương 18%.

Các chuyên gia có chung nhận định giá vàng nhẫn đi lên trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng dồn dập trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, vàng miếng SJC lại chao đảo bất thường do nhà đầu tư lo ngại sự thay đổi về chính sách của NHNN.

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM mới đây, TS Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết:NHNN giữ vai trò là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu. Có thể nói Nghị định 24 ra đời cách đây 12 năm đã giúp bình ổn thị trường vàng, nhất là phát huy hiệu quả trong việc chống tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế. Nhưng sau một thập niên, những quy định này đã bộc lộ những bất cập trên thị trường.

Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đã nhiều lần kiến nghị NHNN, có kèm theo báo cáo phân tích về những điểm bất hợp lý của Nghị định 24/2024. Trong đó, điều cơ bản nhất là NHNN với vai trò là cơ quan quản lý song lại tham gia vào việc kinh doanh và sản xuất vàng để cung cấp cho thị trường.

Với việc điều hành như vậy đồng nghĩa là NHNN cùng lúc đóng hai vai “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong khi lẽ ra NHNN chỉ nên đóng vai trò là cơ quan quản lý chứ không nên kiêm thêm cả vai trò kinh doanh như một doanh nghiệp.

Cũng theo quy định của Nghị định 24, NHNN độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu và độc quyền sản xuất vàng miếng SJC nhưng hơn 10 năm qua, cơ quan này không bổ sung vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng SJC. Trong khi nhu cầu của người dân vẫn hiện hữu và khi cầu tăng mà cung thấp thì sản phẩm sẽ trở nên đắt đỏ hơn là điều đương nhiên. Loại vàng này càng trở nên khan hiếm và đẩy chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và vàng thế giới ngày càng cao.

Vì vậy, NHNN cần trả lại việc sản xuất vàng miếng SJC cho thị trường và NHNN chỉ đóng vai trò là nhà quản lý. Khi đó, doanh nghiệp sẽ tự biết cân đối nguồn lực để nhập khẩu nguyên liệu vàng với số lượng bao nhiêu, dùng vào sản xuất những loại sản phẩm nào (vàng miếng, vàng nhẫn, vàng trang sức…).Khi đó, NHNN vẫn quản lý được số lượng vàng nhập khẩu, mà kho dự trữ ngoại hối quốc gia không hề bị hao hụt đồng nào. Thậm chí khi vàng nguyên liệu nhập khẩu được dùng để sản xuất vàng trang sức và xuất khẩu thì NHNN lại có thêm nguồn thu ngoại tệ, còn Nhà nước thì có thêm nguồn thu từ thuế.

Thứ hai, NHNN cần xóa bỏ độc quyền thương hiệu vàng miếng SJC. Trước khi Nghị định 24 ra đời, thị trường vàng có khoảng 10 thương hiệu sản xuất vàng miếng và khi đó không có chuyện giá vàng trong nước chênh lệch với vàng thế giới bất thường như bây giờ.Nếu vấn đề này được giải quyết, tôi tin rằng chênh lệch giữa giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới sẽ được kéo “về mặt đất” ngay lập tức.

thị trường vàng

Cần sớm trả lại công bằng cho thị trường vàng

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: "Một trong những nguyên nhân khiến giá vàng thế giới liên tục lập đỉnh mới trong những ngày gần đây là do nhà đầu tư kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2024 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Bên cạnh đó, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang đẩy mạnh mua vàng, góp phần thúc đẩy nhu cầu mua vàng trên thị trường quốc tế tiếp tục tăng."

Đối với thị trường trong nước, giá vàng nhẫn liên tục tăng cao và tốc độ tăng còn nhanh hơn cả giá vàng thế giới. Bởi từ đầu năm đến nay, trong khi giá vàng thế giới tăng 300 USD/ounce tương đương 9 triệu đồng mỗi lượng thì vàng nhẫn tăng tới 13 triệu đồng một lượng.

Ngoài tác động của thị trường quốc tế thì giá vàng nhẫn leo thang còn bắt nguồn từ chính sách siết nhập khẩu vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trong suốt khoảng một thập kỷ qua, thị trường vàng trong nước không hề có thêm nguồn cung vàng nguyên liệu trong khi nhu cầu mua để tích trữ, phòng chống lạm phát của người dân vẫn hiện hữu. Một khi nguồn cung không có mà nhu cầu tăng, tất yếu giá vàng sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn.

Cùng với đó, giá vàng miếng SJC cũng đem lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư và mức tăng vẫn thấp hơn so với vàng nhẫn 9999 do nhà đầu tư lo ngại về rủi ro chính sách.

Ông Trần Duy Phương, chuyên gia ngành vàng phân tích thêm: "Đối với vàng miếng SJC, diễn biến về giá của mặt hàng này không “ăn nhập” gì với các dữ liệu kinh tế vĩ mô bởi nó đi theo cung cầu của thị trường. Chỉ cần nhu cầu mua ở mức vài trăm lượng thôi cũng đủ để đẩy giá tăng phi mã, hoặc khi thị trường xuất hiện áp lực chốt lời vài trăm lượng dư sức để làm cho mặt hàng độc quyền này... sập".

Trước thực trạng bất thường của thị trường vàng trong nước đã kéo dài quá lâu, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng NHNN cần có động thái cụ thể và triển khai các giải pháp can thiệp thị trường càng sớm càng tốt.

“Tôi cho rằng không nhiều thì ít, NHNN cần phải bổ sung thêm vàng nguyên liệu cho thị trường. Bởi nếu không cho nhập khẩu vàng nguyên liệu theo con đường chính ngạch sẽ làm gia tăng nguy cơ thị trường tìm cách bổ sung qua con đường nhập lậu. Khi đó, tỉ giá trên thị trường chợ đen sẽ biến động mạnh, khiến tỉ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại cũng chịu áp lực tăng theo.

Chỉ cần NHNN có động thái cho phép nhập khẩu số lượng vàng tương đương 10% tỉ lệ thặng dư của cán cân thanh toán là hợp lý. Giải pháp này giúp giải tỏa được về mặt tâm lý cho người tiêu dùng mà lại không gây đảo chiều cán cân thanh toán.

Qua đó, thị trường vàng trong nước sẽ nhanh chóng hạ nhiệt, biên độ chênh lệch giữa giá vàng nội – ngoại sẽ được thu hẹp thêm. Còn hiện nay, tình trạng đầu cơ tích trữ vàng đang bị đẩy lên rất cao do nguồn vàng trong nước không có” - ông Huấn nhấn mạnh.

Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã có văn bản xin cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để chế tác vàng nữ trang cho 3 doanh nghiệp, gồm DOJI, SJC và PNJ. Theo Hiệp hội, đây là 3 đơn vị kinh doanh vàng lớn nhất của ngành.

Đáng chú ý, hiệp hội cũng kiến nghị việc nhập khẩu vàng nguyên liệu sẽ không được thực hiện cùng lúc mà sẽ chia làm nhiều lần và tùy theo quyết định của NHNN. Nếu quy đổi ra tiền sẽ khoảng hơn 30 triệu USD/500kg/lần. Theo đó, ước tính tổng giá trị của 1,5 tấn vàng bao gồm cả tiền nhập khẩu, thuế phí trong khoảng 100 triệu USD.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho rằng số lượng vàng nguyên liệu đề xuất nhập 1,5 tấn là không nhiều. Lý do là dựa theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các hội viên, nhu cầu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ tại nước ta hiện dao động trong khoảng 20 tấn/năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm