Đã đến lúc thay thế 5K bằng V2K

(PLO)- Bộ Y tế đã đề xuất V2K (vaccine - khẩu trang - khử khuẩn) thay cho 5K, lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 và trình Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số ca mắc mới liên tục giảm sâu, tỉ lệ bao phủ vaccine tăng, nhiều tuần liên tiếp không ghi nhận ca tử vong do COVID-19… Đó là những lý do để thay đổi và linh hoạt hơn trong thực hiện thông điệp 5K, vì một số quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Người dân, du khách vẫn giữ thói quen sát khuẩn, đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phòng dịch khi tham gia không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Người dân, du khách vẫn giữ thói quen sát khuẩn, đeo khẩu trang, tuân thủ các biện pháp phòng dịch khi tham gia không gian phố đi bộ quanh Hồ Gươm. Ảnh: TRỌNG PHÚ

5K không còn phù hợp thực tế

Thông điệp 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế) được Bộ Y tế nêu ra từ tháng 8-2020, khi Việt Nam trong đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai.

Bộ Y tế cho rằng Việt Nam sẽ phải tiếp tục chống dịch COVID-19 trong thời gian dài và dần hình thành nếp sống, ứng xử phù hợp trong điều kiện có dịch bệnh. Tiếp tục áp dụng các biện pháp cơ bản phòng chống dịch trong trạng thái bình thường mới như: Đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.

Thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Đến nay, khi đã qua đỉnh dịch, tỉ lệ bao phủ vaccine tăng, cả nước đã mở cửa trở lại bình thường. Số ca mắc mới trong ngày liên tục giảm sâu, riêng ngày 5-6, Việt Nam chỉ ghi nhận 685 ca nhiễm mới, không ghi nhận ca tử vong do COVID-19; 8.548 ca COVID-19 được công bố khỏi bệnh, ca nặng đều thấp nhất so với nhiều tháng qua, trong đó F0 nặng chỉ bằng 1/100 giai đoạn cao điểm.

Cạnh đó, Bộ Y tế đề nghị quyết liệt đẩy nhanh tiêm chủng, tính đến ngày 5-6, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 222.023.219, đa số người dân đã được tiêm đủ hai mũi và mũi nhắc lại. Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng cần thay đổi và linh hoạt hơn trong thực hiện thông điệp 5K, vì một số quy định không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2022 mới đây, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã tham mưu tạm dừng khai báo y tế, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Như vậy, thực chất chỉ còn thực hiện khẩu trang và khử khuẩn. Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Tư pháp, các đơn vị liên quan để xem xét về việc có điều chỉnh thông điệp 5K hay không.

Bà Hương cũng thông tin thêm: “Hiện nay, việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đúng lịch, đủ liều là rất quan trọng để đảm bảo phòng bệnh. Bộ Y tế đã đề xuất V2K và đã lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, trình Chính phủ. Tuy nhiên, trong dự thảo, Bộ Y tế cũng nêu rõ thông điệp 5K vẫn sẽ được sử dụng nếu xuất hiện biến chủng mới gây ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân”.

222

triệu (số tròn) là số liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm cho người dân tính đến ngày 5-6.

Điều chỉnh 5K thành V2K là phù hợp

Nói về ý nghĩa của thông điệp 5K trong tình hình hiện nay, BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), nhận định quy định giữ khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế đã lạc hậu khi cả nước mở cửa. Việc đeo khẩu trang cũng không nên bắt buộc khi cả nước đã bao phủ vaccine cho phần lớn dân số. Ông đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh, khuyến khích người dân giữ vệ sinh cá nhân.

BS Khanh cũng nêu quan điểm cần sớm đưa COVID-19 ra khỏi danh sách bệnh truyền nhiễm nhóm A để phù hợp với tình hình thực tế và ổn định đời sống - xã hội, phát triển kinh tế. Nếu COVID-19 được đưa về bệnh truyền nhiễm nhóm B, cơ quan chuyên môn sẽ tập trung đối tượng nguy cơ. Nói như vậy để thấy thái độ, cách ứng xử của mọi người đối với căn bệnh này, đến giờ chỉ coi nó là bệnh cúm mùa có khả năng truyền nhiễm cao.

PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết thời điểm hiện tại, việc điều chỉnh thông điệp 5K thành V2K là phù hợp.

“Sau khi điều chỉnh thông điệp và các biện pháp phòng dịch, người dân vẫn cần rửa tay thường xuyên với xà phòng, đeo khẩu trang nơi đông người trong không gian kín. Các quy định về đeo khẩu trang, sát khuẩn tay là thói quen thực hiện ở bất cứ điều kiện nào đều phát huy tác dụng. Thậm chí, nếu không có đại dịch cũng nên đeo khẩu trang khi ra đường vì nó giúp ngăn bụi, các yếu tố độc hại, các bệnh truyền nhiễm khác” - PGS-TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.•

Trong thời gian áp dụng thông điệp 5K phòng ngừa dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm khác như cúm, tay chân miệng… cũng giảm rõ rệt. Do đó, dù tình hình dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát thì việc duy trì một số biện pháp như đeo khẩu trang, khử khuẩn phòng bệnh vẫn là cần thiết, bởi không chỉ COVID-19 mà còn có rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác đang lưu hành.

PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm