Đã giải tỏa, 15 năm chưa bồi thường

Đã 15 năm trôi qua, khu quy hoạch giải phóng mặt bằng hơn 42 ha tại khu vực mỏ đá Sông Mây (ấp Sông Mây, xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vẫn còn nhùng nhằng. Một số hộ dân đã di dời nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Những hộ dân vẫn ở khu đất giải tỏa thì không có điện, cuộc sống hết sức khó khăn.

Người dân ở khu vực mỏ đá Sông Mây phải ở tạm trong  nhà vách tôn. Ảnh: VN 

Đi không được, ở không xong

Theo một số người dân, năm 1999 các hộ ở khu vực nhận được thông báo giải tỏa mặt bằng, thu hồi đất của UBND huyện Thống Nhất (nay tách thuộc huyện Trảng Bom). Sau nhiều lần họp, địa phương thống nhất những người trong khu giải tỏa sẽ được cấp đất nền trong khu tái định cư Sông Mây (xã Bình Minh), được giải quyết tiền bồi thường. Đến năm 2001, khoảng 10 hộ dân di dời ra khu tái định cư. Tuy nhiên, theo họ, vì có chủ trương thu hồi đất giao cho lực lượng quốc phòng nên họ miễn cưỡng ra đi. Chứ khi thỏa thuận, địa phương cũng không nói rõ ràng, cụ thể về việc bồi thường cho người dân như thế nào. Cho đến giờ này địa phương cũng chưa giải quyết. Chưa kể khi ra khu tái định cư họ phải đóng gần 20 triệu đồng mới được nhận nền. Điều này khiến người dân quá thiệt thòi.

Ông Trần Văn Vĩnh, người dân trong khu vực, than: “Nhiều gia đình không có tiền đóng đã phải vay mượn ngân hàng và luôn hy vọng UBND huyện sẽ trả tiền bồi thường ngay để trả nợ. Tuy nhiên, đã 14 năm số tiền bồi thường đó vẫn… bặt vô âm tín. Đến hạn không có tiền trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con nên một số hộ dân phải bán luôn căn nhà để trả nợ và bỗng dưng trở thành vô gia cư”.

Sẽ giải quyết bồi thường

Báo Pháp Luật TP.HCM đã đưa những kiến nghị, thắc mắc của người dân trao đổi với ông Lê Ngọc Tiêu - Chánh Thanh tra UBND huyện Trảng Bom. Ông Tiêu cho biết những hộ dân trong khu giải tỏa mỏ đá Sông Mây di dời giao đất để ra khu tái định cư Sông Mây đều tự nguyện. Khi có quyết định giải tỏa, chính quyền địa phương đã làm việc theo đúng quy trình, ghi nhận diện tích đất và tài sản trên đất của từng hộ dân trong khu vực để tính giá trị bồi thường.

“Chủ tịch UBND huyện cũng đã giải thích với người dân trong việc bồi thường giải tỏa rồi. Thực sự chúng tôi rất muốn giải quyết việc bồi thường cho người dân nhưng hiện nay có quá ít hộ dân di dời nên việc bồi thường chưa thể tiến hành được. Tuy nhiên, tài sản của người dân sẽ được bồi thường theo giá trị ở thời điểm hiện tại” - ông Tiêu cho biết thêm.

Kết hợp vận động di dời và bồi thường

Bên cạnh những người ra khu tái định cư thì có những hộ dân nghèo không có tiền đóng nhận nền nên đành phải bám trụ trong khu quy hoạch. Bám trụ lại thì họ không được cung cấp điện để sinh hoạt. Ngoài ra những căn nhà bị hư hỏng sửa chữa, xây dựng lại cán bộ xã tiến hành lập biên bản. Nhiều hộ gia đình phải lấp tạm tấm tôn để ở.

Ông Đinh Thanh Bình, người đang sống trong khu vực quy hoạch, bức xúc: “Đã biết bao lần họp, tiếp xúc cử tri từ cấp tỉnh đến cấp xã chúng tôi đều kiến nghị việc bồi thường giải tỏa mặt bằng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa được rõ ràng. Nếu như Nhà nước không cần phải giải tỏa nữa thì thông báo cho người dân biết để xây dựng các công trình đường giao thông, đường điện sinh hoạt chứ cứ để năm này qua năm khác rồi khiến chúng tôi đi không được, ở cũng không xong”.

Thanh tra UBND huyện Trảng Bom thừa nhận việc các hộ dân bị lập biên bản về việc xây dựng cũng như không có điện và phải kéo điện từ các nơi khác để sử dụng là do nằm trong vùng quy hoạch. Địa phương cũng đang vận động họ nhanh chóng di dời để giao đất. Cạnh đó địa phương cũng đồng thời giải quyết bồi thường cho người dân.

VĂN NGỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm