Trong báo cáo mới phát hành, Công ty chứng khoán SSI đánh giá, trong giai đoạn 2021-2022 do nhu cầu đầu tư vào sản phẩm bất động sản (BĐS) tăng cao, giá BĐS tại nhiều khu vực trên khắp cả nước tăng lên đáng kể.
Chẳng hạn, giá đất ở Lâm Đồng và Bình Phước đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba trong khoảng thời gian từ 1-1,5 năm, kể cả ở những nơi chưa có cơ sở hạ tầng phát triển.
Theo SSI, giá bán tại nhiều dự án đô thị vùng ven đã tăng chóng mặt do các tin tức liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng. Vào đầu năm, Bộ GTVT đã công bố khoản 304,1 ngàn tỉ đồng cho kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhằm thực hiện các dự án chuyển tiếp, xử lý dứt điểm nợ tồn đọng thuộc nghĩa vụ ngân sách nhà nước và khởi công các dự án mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021-2025.
"Khu vực miền Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ kế hoạch trung hạn, với nhiều đường cao tốc, các dự án sân bay quốc tế… Do đó, giá của nhiều dự án đại đô thị vùng ven đã tăng từ 15-20% so với cùng kỳ" - SSI cho biết.
Theo SSI, chính quyền địa phương ở một số địa phương đã ngừng cấp phép cho đất nông nghiệp, đất ở chia thành nhiều thửa đất nhỏ, điều này giúp hạ nhiệt thị trường và ngăn chặn tình trạng bong bóng nhà đất.
Các chuyên gia Công ty SSI nhận định, trong bối cảnh việc sửa đổi Luật đất đai vẫn còn đang trong quá trình cân nhắc và có thêm nhiều quy định đặt ra cho việc phát hành trái phiếu của chủ đầu tư, thì nguồn cung mới cho các dự án BĐS và chung cư, nhà thấp tầng sẽ tiếp tục bị hạn chế, rất ít sản phẩm mới được tung ra thị trường.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quý 1-2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới giảm 59% so với cùng kỳ. Do thiếu hụt nguồn cung mới, giá bán sơ cấp tại các khu vực đô thị trọng điểm như Hà Nội và TP.HCM tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường giảm sút với số lượng giao dịch trong quý 1-2022 ghi nhận ở mức 20.325 giao dịch, giảm 20% so với cùng kỳ.