Đà Nẵng chưa thể thi hành các bản án liên quan Vũ 'nhôm', Hứa Thị Phấn, sân Chi Lăng

(PLO)- Tại Đà Nẵng hiện có nhiều vụ án đã có bản án của tòa nhưng khó thi hành do có giá trị lớn, nhiều bất động sản liên quan chưa thể xử lý.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cục thi hành án dân sự (THADS) TP Đà Nẵng vừa có báo cáo kết quả công tác năm và tự đánh giá là đạt kết quả thấp trong công tác THADS trên địa bàn TP năm 2022.

Theo Cục THADS TP Đà Nẵng, mặc dù đã bám sát kế hoạch công tác năm, chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao của năm. Tính đến 30-9, tỉ lệ giải quyết án đạt 68,16% về việc và về tiền giải quyết đạt tỉ lệ 34,22%.

Còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng. Ảnh: TẤN VIỆT

Còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng. Ảnh: TẤN VIỆT

Nguyên nhân ở việc xử lý tài sản là bất động sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, từ việc xác định hiện trạng tài sản đến việc giải quyết tranh chấp quyền sở hữu.

Nhiều trường hợp tài sản kê biên đảm bảo chưa xác định được lô đất trên thực tế dẫn đến không thực hiện việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Có trường hợp bản án tuyên đảm bảo quyền sử dụng đất nhưng không đề cập đến tài sản trên đất, nhiều loại tài sản khác không thể xác định chủ sở hữu.

Điển hình một số vụ có giá trị lớn, khó thi hành như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) và các cựu quan chức TP Đà Nẵng liên đới bồi thường cho UBND TP gần 4.200 tỉ đồng và lãi chậm thi hành án.

Bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM buộc Tổng Công ty cổ phần xây dựng Điện Việt Nam phải hoàn trả số tiền 200 tỉ đồng được xác định là vật chứng vụ án cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam. Toàn bộ số tiền này dùng để khấu trừ nghĩa vụ của bà Hứa Thị Phấn.

Hay như vụ Phạm Công Danh – Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh có giá trị phải thi hành là hơn 3.900 tỉ đồng. Hiện nay còn nhiều vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản Khu phức hợp sân vận động Chi Lăng.

Một vụ nữa là Nguyễn Thị Bích Thuận, Hồ Thị Cẩm Uyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 200 người có giá trị phải thi hành gần 95 tỉ đồng.

Theo Cục THADS TP Đà Nẵng, các bản án có số tiền phải thi hành án lớn nhưng tài sản chưa xử lý được do vướng mắc pháp lý, liên quan chủ trương chính sách của Nhà nước, của địa phương. Cùng với đó là vướng mắc về hiện trạng tài sản dẫn đến chưa thể xử lý tài sản đảm bảo như vụ Phạm Công Danh phải xử lý sân Chi Lăng, vụ Trần Văn Minh và đồng phạm phải xử lý 28 tài sản là bất động sản.

Cục THADS TP Đà Nẵng cũng cho rằng, biên chế ngày càng giảm, trong khi chỉ tiêu được giao năm sau cao hơn năm trước và tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Nhất là khi tổ chức thi hành các vụ án kinh tế, tham nhũng gặp nhiều khó khăn, gây áp lực lớn đối với đội ngũ chấp hành viên, công chức thi hành án.

Từ những tồn tại trên, Cục THADS TP Đà Nẵng đã kiến nghị HĐND TP, UBND TP quan tâm chỉ đạo, tăng cường phối hợp trong công tác THADS trên địa bàn. Đồng thời quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho công chức THADS được tốt hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm