Ông Trung cho rằng việc để xảy ra ùn tắc giao thông là do công tác tuyên truyền chưa đến nơi đến chốn và có quá ít lực lượng tham gia điều tiết khi số lượng xe quá nhiều.
“Chắc chắn tới đây sẽ tiếp tục ùn tắc, kẹt xe tiếp nhưng mình phải chịu khó bố trí lực lượng và phương tiện đầy đủ. Sau đó từ từ lưu lượng giao thông sẽ giảm và tự điều tiết trở lại” - ông Trung nói.
Cuộc họp do Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Trung và Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Chính chủ trì. Ảnh: LÊ PHI
Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Chính cũng nhìn nhận việc người dân rất bị động và bất ngờ vì rào chắn dẫn đến ùn tắc.
“Tôi đề nghị cần để biển báo, sơ đồ phân luồng tại các nút giao thông vào khu vực trung tâm để người dân biết mà di chuyển. Việc làm này phải do ban quản lý dự án và đơn vị thi công làm chứ không phải của công an” - ông Chính nói.
Tại cuộc làm việc, ông Lê Văn Lâm (Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư công trình giao thông công chính, điều hành dự án) thừa nhận những sai sót để dẫn đến tình trạng giao thông hỗn loạn nói trên.
“Ngày mai ban sẽ gửi văn bản đến các trường học và các cơ quan để thông báo cho họ biết và có sự điều tiết hợp lý. Còn về việc để người của ban tham gia điều tiết giao thông là quá sức. Ban chỉ có thể làm tại khu vực công trình thôi, cái này cần sự trợ giúp của lực lượng công an” - ông Lâm nói.
Bàn giải pháp phân luồng giao thông sau sự cố hỗn loạn diễn ra vào sáng 7-9. Ảnh: LÊ PHI
Ông Lâm đề xuất cấm đậu, dừng xe hai bên đường tại khu vực đường trung tâm và tắt đèn tín hiệu giao thông để người dân chạy xe theo người điều khiển giao thông.
Kết thúc buổi làm việc, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, nói tới đây tại một loạt nút giao thông trên đường Trần Phú, Bạch Đằng, Quang Trung, Lê Duẩn, Lê Lợi… sẽ có lực lượng công an, bảo vệ, thanh tra giao thông chốt chặn điều tiết. Một số khu vực trên các tuyến đường Lê Lợi, Quang Trung, Bạch Đằng, Trần Phú, Yên Bái sẽ cấm xe đậu.
Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho hay sẽ từ từ điều tiết việc bố trí lực lượng tại các nút giao thông để phân luồng cho phù hợp nhằm giảm ùn tắc, tránh sự bức xúc của người dân.
Trước đó, như Pháp Luật TP.HCMđã đưa tin, người dân đã hết sức bất ngờ trước việc rào chắn đường để xây dựng hầm chui nút giao thông phía tây cầu sông Hàn nên dẫn đến tình trạng hỗn loạn giao thông. Sự việc khiến người dân bức xúc nhưng sau đó các cơ quan chức năng của TP Đà Nẵng đã có các giải pháp giải quyết để giảm tải cho khu vực trung tâm.
Kế hoạch phân luồng giao thông: Việc tập kết vật liệu phục vụ cho công trình sẽ đi theo lộ trình từ các mỏ đất, đá trên quốc lộ 14B qua cầu vượt Hòa Cầm về đường Bạch Đằng - Trần Phú (phía trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự TP), sau đó rời công trình theo đường 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành - Lý Thánh Tông - Trục I Tây Bắc - ngã ba Huế về các mỏ đất, đá trên quốc lộ 14B. Việc đổ phế thải theo hướng từ Bạch Đằng - 3 Tháng 2 - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Sinh Sắc - quốc lộ 1A - Hoàng Văn Thái. Phân luồng từ xa cho ô tô không qua cầu Sông Hàn bằng cách đặt các biển chỉ dẫn từ phía đông cầu Sông Hàn, nút phía tây và phía đông cầu Rồng, nút Điện Biên Phủ - Lê Duẩn - Lý Thái Tổ, nút Nguyễn Tất Thành - 3 Tháng 2, nút Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Về phân luồng giao thông khu vực nút sẽ thực hiện cấm ô tô qua cầu cả hai hướng trong suốt quá trình thi công. Trong quá trình triển khai điều tiết giao thông từ xa sẽ dẫn đến tình trạng quá tải trên một số tuyến đường, vì vậy các đơn vị thi công, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông bố trí lực lượng chốt trực hướng dẫn đảm bảo giao thông thông suốt. Lưu ý, với hai nhánh đường Lê Lợi và Nguyễn Thị Minh Khai, có khả năng quá tải trong giờ cao điểm, vì vậy phải tăng cường công tác hướng dẫn điều tiết các nhánh đường giao cắt với trục Lê Duẩn để giảm tải. |