Đà Nẵng khẩn trương khắc phục hậu quả cơn mưa lịch sử

(PLO)- Từ chiều 14-10 đến rạng sáng 15-10, trên địa bàn Đà Nẵng đã có mưa đặc biệt lớn, lượng mưa phổ biến từ 400 – 700 mm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết ký công văn gửi cấp ủy các cấp và các ngành, địa phương về việc khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 5 gây ra.

Lũ quét cuốn đất đá lấp kín đường dẫn vào hầm Hải Vân. Ảnh: CTV

Lũ quét cuốn đất đá lấp kín đường dẫn vào hầm Hải Vân. Ảnh: CTV

Từ chiều 14-10 đến rạng sáng 15-10, trên địa bàn Đà Nẵng đã có mưa đặc biệt lớn, lượng mưa phổ biến từ 400 - 700 mm. Nhiều tuyến đường, khu dân cư bị ngập nặng, giao thông chia cắt.

Một số khu vực bị sạt lở, ngập sâu phải sơ tán người dân, gây khó khăn trong công tác ứng phó, cứu hộ cứu nạn của các lực lượng chức năng.

Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo tiếp tục phát huy phương châm “4 tại chỗ”, chủ động trong công tác khắc phục thiệt hại của bão số 5 với tinh thần khẩn trương, kịp thời, trực tiếp đến từng hộ dân, từng cơ sở kinh tế, xã hội trên địa bàn TP.

Các địa phương cần làm tốt công tác thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại, các gia đình có người bị thương vong nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất và ổn định cuộc sống.

Thành ủy Đà Nẵng giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các địa phương khẩn trương đánh giá đúng tình hình, thống kê mức độ thiệt hại do bão số 5 gây ra để báo cáo các cơ quan Trung ương và Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi chỉ đạo, hoàn thành trước 15 giờ ngày 15-10.

Các địa phương cũng phải xây dựng phương án hỗ trợ thiệt hại cho người dân chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa bão.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự TP rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai. Nhất là công tác dự báo, đánh giá diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của mưa bão.

Quan trọng nhất là các địa phương phải đảm bảo lương thực, nước sạch cho người dân. Đồng thời thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị những người bị thương do mưa bão gây ra.

Các ngành chức năng, địa phương sớm khôi phục hoạt động cấp điện, viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt trong toàn TP. Cấp thiết cứu trợ đối với các trường hợp khẩn cấp, các khu sơ tán tập trung, các hộ bị thiệt hại về nhà cửa, sản xuất.

Các quận/huyện phải đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân. Đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân không chủ quan, hạn chế trường hợp tai nạn trong lúc dọn dẹp sau mưa bão.

Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động triển khai phương án ứng phó với mưa bão, lũ lụt còn diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, các địa phương sớm đề xuất cấp thẩm quyền xem xét đầu tư, trang bị các phương tiện cần thiết, phù hợp phục vụ hiệu quả công tác phòng chống mưa bão.

Các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, bí thư cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đôn đốc công tác khắc phục thiệt hại tại địa phương, đơn vị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm