Đà Nẵng: Người dân hài lòng với mô hình chính quyền đô thị

(PLO)- Việc thực hiện Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tại TP Đà Nẵng đạt được nhiều kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo bà Cao Thị Huyền Trân, Phó chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, nhìn chung công tác thực hiện các nhiệm vụ để triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị (TĐMHCQĐT) đã thực hiện đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ các yêu cầu đặt ra.

Nhiều kết quả tích cực

Việc chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ giữa hai giai đoạn chưa có vướng mắc, phát sinh lớn làm ảnh hưởng hay cản trở đến công tác quản lý, điều hành của UBND quận, phường.

“TP đã sớm hoàn thiện các văn bản, tạo cơ sở pháp lý trong quá trình thực hiện thí điểm. Công tác bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, công tác cán bộ khi triển khai TĐMHCQĐT về cơ bản đã hoàn thành tốt”, bà Trân cho biết.

Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị giúp Đà Nẵng có bộ máy tinh gọn hơn, quản lý đô thị tốt hơn. Ảnh: BÙI TOÀN.

Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị giúp Đà Nẵng có bộ máy tinh gọn hơn, quản lý đô thị tốt hơn. Ảnh: BÙI TOÀN.

Cũng theo bà Trân, qua giám sát cho thấy việc thực hiện TĐMHCQĐT trên địa bàn TP có những tích cực và hiệu quả, thể hiện rõ nhất là: tổ chức bộ máy quản lý đô thị tinh gọn hơn, tiết kiệm chi thường xuyên, thủ tục hành chính có giảm hơn so với trước. Thời gian triển khai kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị.

Bên cạnh đó, tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao. Việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh.

Ngoài ra, việc giải quyết yêu cầu chứng thực giấy tờ, chữ ký của nhân dân ở cấp phường được nhanh hơn khi Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh Tư pháp-Hộ tịch thực hiện nhiệm vụ này.

Cùng những kết quả đạt được, Đà Nẵng cũng đã có các đề xuất, tháo gỡ các điểm “nghẽn” trong việc thực hiện TĐMHCQĐT được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ ngành cùng TP nghiên cứu xử lý.

Người dân hài lòng

Nói về việc thực hiện TĐMHCQĐT, ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng cũng cho hay, ưu thế của MHCQĐT là tính tập trung về một đầu mối là cấp TP nhằm giải quyết mọi vấn đề nhanh, gọn hơn.

Người dân hài lòng khi thực hiện thí điểm MHCQĐT. Ảnh: LÊ PHI.

Người dân hài lòng khi thực hiện thí điểm MHCQĐT. Ảnh: LÊ PHI.

“Cử tri phấn khởi khi TP triển khai đề án phân cấp, uỷ quyền quản lý nhà nước theo MHCQĐT. Giải quyết và tăng cường công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân, vượt qua dịch bệnh, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, các hoạt động của UBND các cấp đáp ứng sự hài lòng của người dân, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch”, ông Thắng cho biết.

Tương tự, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư Thường trực Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng, trong công tác xây dựng chính quyền, bảo đảm an ninh trật tự, cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện TĐMHCQĐT. Nhất là các vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách và việc bảo đảm phát huy dân chủ trong điều kiện không tổ chức HĐND quận, phường.

UBND TP, quận, huyện cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Việc này thực hiện theo hướng cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết hiệu quả hơn cho người dân và tổ chức thì mạnh dạn phân cấp.

Cần rà soát, khắc phục những hạn chế, các điểm thấp trong chỉ số đánh giá cải cách hành chính. Trong đó cần lưu ý nhất là cải thiện chỉ số về đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

“Có giải pháp động viên, khuyến khích và tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là khu vực sự nghiệp”, ông Triết cho biết.

Khi thực hiện TĐMHCQĐT, quyền dân chủ đại diện của người dân thông qua đại biểu HĐND phường và HĐND quận không còn mà được thực hiện thông qua các kênh khác như: ĐBQH, HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…Tuy nhiên, số lượng ĐB HĐND TP hoạt động kiêm nhiệm chiếm đa số.

Ngoài ra, khi thực hiện TĐMHCQĐT, số lượng người hoạt động chuyên trách công tác HĐND quận, phường giảm 63 người (18 ở quận và 45 ở phường). Vì vậy, chức năng, nhiệm vụ của HĐND TP, Thường trực HĐND TP và các Ban HĐND tăng thêm rất lớn (cả phạm vi và đối tượng), số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ít.

Mặt khác, số lượng biên chế của Văn phòng ĐBQH và HĐND TP được phân bổ thấp (29 biên chế). Điều này ảnh hưởng rất lớn đến việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến của cử tri nói riêng, chất lượng giám sát của HĐND TP nói chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm