Đà Nẵng điều hành đô thị trên dữ liệu số

(PLO)- Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2025 chuyển từ mô hình quản lý hành chính truyền thống sang điều hành đô thị dựa trên dữ liệu số, đô thị thông minh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng Trần Trung Sơn khẳng định, Đà Nẵng đang đẩy mạnh sử dụng các ứng dụng số phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao chất lượng chỉ đạo điều hành, tạo động lực mới cho công tác cải cách hành chính (CCHC) cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Làm trực tuyến, giảm thời gian giải quyết hồ sơ

Nhiều năm làm kế toán cho công ty vận tải, chị Ngô Thị Chung mất rất nhiều thời gian để xin giấy phép vận tải liên vận Việt - Lào tại Sở GTVT Đà Nẵng. Bởi khi làm hồ sơ thì phải lên Sở GTVT xin mẫu, hoàn thành các bước xong chờ lãnh đạo công ty ký rồi lại lên Sở GTVT để nộp, chờ đợi tới số tới lượt.

“Tóm lại mất rất nhiều thời gian. Đến khi Sở GTVT triển khai dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), mình tạo tài khoản rồi gửi hồ sơ trực tuyến. Làm rồi thấy rất tiện, ngồi ở công ty có thể biết được kết quả. Bị vướng chỗ nào thì có tin nhắn trả lời ngay”, chị Chung nói.

Người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến tới Sở Xây dựng TP Đà Nẵng để được giải quyết nhanh gọn. Ảnh: HA.

Người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ trực tuyến tới Sở Xây dựng TP Đà Nẵng để được giải quyết nhanh gọn. Ảnh: HA.

Theo bà Phạm Thị Thu Hà, Phó Chánh Văn phòng Sở GTVT Đà Nẵng, năm 2019 đơn vị chỉ có 21 thủ tục hành chính (TTHC) mức độ 3 và 4. Số lượng hồ sơ trực tuyến chỉ đạt khoảng 15%-20% trên tổng số hồ sơ.

Đến năm 2020, Sở GTVT tiến hành rà soát, chuẩn hoá để xây dựng và đưa vào sử dụng 82 DVCTT mức độ 3 và 4. Riêng lĩnh vực quản lý vận tải đường bộ đã triển khai 100% DVCTT mức độ 4. Từ đầu năm 2022 đến nay đã tiếp nhận, giải quyết gần 8.000 hồ sơ.

“Năm 2022, Sở tiếp tục triển khai các loại giấy phép có gắn QRCode cho xe tập lái đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe và lĩnh vực quản lý kết cấu hạ tầng giao thông”, bà Hà thông tin.

Tương tự, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, đã xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ nhằm đẩy mạnh công tác CCHC góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân và nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.

Hiện nay, bộ thủ tục hành chính (TTHC) của Sở Xây dựng có 49 thủ tục được công khai tại trang thông tin điện tử của sở để tạo điều kiện cho công dân, tổ chức dễ theo dõi và sử dụng. Tất cả các thủ tục đều có thể thực hiện dịch vụ công mức 3, mức 4. Năm 2022, Sở Xây dựng đang nghiên cứu, rà soát tham mưu UBND TP ban hành mới Bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

Đặc biệt, Sở Xây dựng còn cắt giảm, đơn giản hoá TTHC 3 trong 1 về cấp phép xây dựng đã giảm thời gian giải quyết từ 80 ngày theo quy định xuống còn 50 ngày. Năm 2022, Sở tiếp tục nghiên cứu và triển khai quy trình thí điểm TTHC 2 trong 1 về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng - Cấp phép xây dựng giảm thời gian giải quyết từ 45 ngày theo quy định xuống còn 31 ngày. Tiếp tục rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng theo hướng vừa đảm bảo lợi ích của tổ chức, công dân vừa phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Ngoài ra, Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch số hoá hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC bắt đầu triển khai từ tháng 6-2022. Đây là nhiệm vụ quan trọng của TP trong giai đoạn 2022-2025 nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng, đảm bảo điều kiện cơ bản cho yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử. Sở Xây dựng ban hành hướng dẫn khảo sát mức độ hài lòng đối với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và chọn một số TTHC có lượng hồ sơ phát sinh nhiều để triển khai khảo sát độc lập nhằm tổng hợp ý kiến đóng góp để nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, công dân ngày càng tốt hơn.

Việc giải quyết hồ sơ trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: TV.

Việc giải quyết hồ sơ trực tuyến sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Ảnh: TV.

Cải cách hành chính toàn diện

Theo ông Trần Trung Sơn (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng) những năm qua, TP luôn giữ vững những chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin và CCHC. TP hiện có 1.704 TTHC sử dụng DVCTT mức độ 4, hiện chỉ còn 48 TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 2 và 32 DVCTT mức độ 3 do vướng các quy định khác nhau.

Năm 2021, Đà Nẵng xếp thứ 3/63 tỉnh thành về chỉ số CCHC, tăng ba bậc so với năm 2020. Đạt được những thành tích như vậy là kết quả của quá trình chỉ đạo CCHC của lãnh đạo TP và cả hệ thống chính trị.

Ông Sơn cho hay, một trong những kinh nghiệm tốt của Đà Nẵng là hàng năm luôn đặt ra những chương trình công tác hết sức cụ thể và chi tiết, thúc đẩy những cách làm mới ở các sở ngành, địa phương.

“Các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới giải quyết kết quả TTHC cho người dân, doanh nghiệp thông qua việc thí điểm chuyển giao việc tiếp nhận và trả kết quả cho các đơn vị bưu chính công ích trên địa bàn TP. Ứng dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và DVCTT trong việc thúc đẩy hiệu quả phục vụ người dân”, ông Sơn nói.

Một điểm nổi bật trong năm 2021 là TP tiếp tục giữ vững phong độ và những kết quả tích cực trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Đà Nẵng tiếp tục xếp thứ nhất trên cả nước về kết quả chuyển đổi số trên cả ba trục chính là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

“Chúng tôi quan điểm CCHC không phải là đích đến mà là cả một quá trình. Thời gian đến, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo TP thực hiện đồng bộ các giải pháp về CCHC trong đó tập trung ưu tiên thúc đẩy hai trọng tâm. Thứ nhất là CCHC, thứ hai là xây dựng chính quyền số”, ông Sơn nói.

“Đà Nẵng hướng đến tạo điều kiện cho người dân giải quyết TTHC theo phương án gắn với mã số định danh điện tử trong tất cả giao dịch hành chính”, ông Trần Trung Sơn (Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm