Đà Nẵng: Thành phố đáng sống và đáng đến

(PLO)- Theo đánh giá, sau 25 năm TP Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và đáng sống, đáng đến.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống” do Báo Đầu tư và Tập đoàn Sun Group phối hợp tổ chức đã diễn ra vào sáng 27-6.

COVID-19: khoảng lặng lớn để nhìn lại

Tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh (Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng) cho hay, sau 25 năm trở thành TP trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hiện đại, văn minh và “đáng sống” tại khu vực miền Trung và cả nước.

Các chuyên gia góp ý cho phát triển TP Đà Nẵng.

Các chuyên gia góp ý cho phát triển TP Đà Nẵng.

“Đại dịch Covid-19 như một khoảng lặng lớn để TP Đà Nẵng nhìn nhận lại những kết quả đạt được, những điểm còn thiếu sót trong phát triển hạ tầng đô thị, du lịch cùng chiến lược xây dựng thương hiệu điểm đến cho Đà Nẵng. Đặc biệt là suy nghĩ những bước đi mới, cách làm mới để đưa Đà Nẵng xứng danh TP đáng đến và đáng sống”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, để nắm cơ hội từ làn sóng du lịch sau đại dịch, Đà Nẵng cũng đứng trước thách thức làm mới chính mình, làm sao để duy trì sức hấp dẫn trong mắt du khách, xứng danh TP đáng đến.

PGS. TS Trần Đình Thiên (Chuyên gia kinh tế) nhìn nhận, 25 năm qua Đà Nẵng rất huy hoàng, những con số về lượng không có gì phải chê.

“Tôi muốn nhấn mạnh, cái hấp dẫn người ta đến Đà Nẵng là khả năng vượt qua những khó khăn trói buộc của cơ chế, của các điều kiện phát triển. Đó là bản lĩnh phát triển của Đà Nẵng, ý thức được rất rõ ràng 2 việc cơ bản là tạo khác biệt và tiến vượt về đẳng cấp...”, PGS. TS Thiên nhấn mạnh.

Điểm đến số 1 Việt Nam và dự báo điểm nghẽn sân bay

Ông Cao Trí Dũng (Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) cho rằng, lợi thế lớn nhất của Đà Nẵng là tất cả các thương hiệu lớn về du lịch, khách sạn đều đã có mặt mà không TP nào ở Việt Nam có được.

Một góc biển Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình.

Một góc biển Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình.

Tuy nhiên, theo ông Dũng để du lịch phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn còn thiếu một vài mảnh ghép. Đà Nẵng là trung tâm du lịch biển, nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào vươn ra biển cho du khách.

Về các loại hình du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, show diễn, đặc biệt trải nghiệm về đêm Đà Nẵng đã có nhưng vẫn thiếu. Đà Nẵng cần xác định là TP đáng đến và đáng sống, đặc biệt phải định vị là TP đẳng cấp.

“Đà Nẵng cần có thêm các trải nghiệm sang trọng khác. Hiện đã có tour trực thăng rồi, Đà Nẵng phải sản xuất được du thuyền, phải có trung tâm du thuyền. Đà Nẵng nằm ngay trên hải lưu giao thương trong ngành du lịch du thuyền, trong khi đó du thuyền khối Đông Bắc có rất nhiều khách hàng từ Thượng Hải, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan…”, ông Dũng nói.

TS Lương Hoài Nam cho hay, TP Đà Nẵng là điểm đến du lịch số một Việt Nam, có mọi thứ về mặt du lịch, có đô thị xinh xắn, có biển đẹp nhất châu á và đẹp nhất thế giới.

Tuy nhiên, về lâu dài nếu không có tầm nhìn mới thì sân bay Đà Nẵng sẽ trở thành nút thắt trong sự phát triển của du lịch Đà Nẵng.

"Bởi vì bây giờ bắt đầu áp dụng hết công suất rồi. Nhà ga số một nhà ga số hai. Nhà ga số một, hai quốc tế thì hiện nay chưa là do COVID-19 thôi chứ không thì hết công suất liền. Theo đánh giá của tôi là hoàn toàn có thể đưa công suất lên 30 triệu, thậm chí là 40 triệu khách/năm...”, Ts Nam nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, cần có cơ chế để giúp người giàu và thay đổi quan điểm về người giàu. Bởi xưa nay chúng ta chỉ đề cập tới việc giúp đỡ người nghèo mà không biết rằng, người giàu cũng cần giúp đỡ. Việc giúp đỡ người giàu chính là các cơ chế chính sách, sự đồng hành của chính quyền để người giàu làm giàu và quay trở lại giúp đỡ người nghèo và tạo ra công ăn việc làm, tạo ra giá trị cho xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm