Đa Nhim - Nhà máy Thủy điện cổ ở Việt Nam

Cùng với thủy điện Ankroet (khởi công năm 1942, hoàn thành năm 1945, nằm sâu trong thung lũng Đankia - Suối Vàng, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng), Nhà máy thủy điện Đa Nhim là một trong những thủy điện có lịch sử lâu đời ở Việt Nam. Trong khi thủy điện Ankroet được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp thì thủy điện Đa Nhim lại mang dấu ấn của người Nhật.

 Nhà máy thủy điện Đa Nhim được xây dựng với sự tài trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản.

Nhà máy thủy điện Đa Nhim là công trình thủy điện đầu tiên và nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai. Nhà máy thủy điện Đa Nhim được khởi công xây dựng năm 1961 có hồ chứa (hồ Đơn Dương) và tuyến đầu mối thuộc thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng; tuyến đường ống thủy lực và nhà máy thủy điện thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận.

 Với độ cao cột áp 800m, nhà máy thủy điện Đa Nhim có suất tiêu hao nước rất thấp khoảng 0,56m3/kWh.

Tuyến đường ống thủy áp Nhà máy thủy điện Đa Nhim được xây dựng từ năm 1963, bao gồm hai đường ống lắp song song nhau, mỗi đường ống có chiều dài 2,257m, đường kính giảm dần từ 2m xuống 1,05m khi đến nhà máy. Hai đường ống được lắp đặt trên núi với độ nghiêng từ 20 độ đến 45 độ.

Hồ Đơn Dương, hồ chứa nước của Nhà máy thủy điện Đa Nhim.

Ngày 15-1-1964, nhà máy thủy điện Đa Nhim chính thức vận hành phát điện tổ máy số 1 và số 2, đến cuối năm 1964 thì hoàn thành toàn bộ công trình. Hàng năm, nhà máy thủy điện Đa Nhim cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 1 tỉ kWh. Bên cạnh nhiệm vụ phát điện, công trình còn cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ thâm canh nông nghiệp cho đồng bằng tỉnh Ninh Thuận với diện tích khoảng 16.000 ha.

Nhằm tận dụng nguồn nước đã qua chạy máy của nhà máy thủy điện Đa Nhim để tiếp tục sản xuất điện năng phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước, ngày 9-1-1992, Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam -EVN) đã khởi công xây dựng nhà máy thủy điện Sông Pha gồm 5 tổ máy trục đứng có tổng công suất 7,5MW. Đến cuối năm 1994, toàn bộ công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hàng năm, nhà máy thủy điện Sông Pha cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 44 triệu kWh.

Nhà máy Thủy điện Đa Nhim được EVN thực hiện Dự án phục hồi hệ thống điện năm 2004 - 2006 nhằm nâng cấp hệ thống tua-bin, máy phát, hệ thống điều khiển và lắp đặt mới hệ thống thu thập số liệu thủy văn.

Năm 2015, Công ty cổ phần thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (ĐHĐ) triển khai xây Dự án mở rộng nhà máy thủy điện Đa Nhim với công suất 80MW/1 tổ máy. Nhà máy Đa Nhim mở rộng đã vận hành thương mại giai đoạn 1 với công suất 45MW từ ngày 22-4-2020 và sẽ vận hành 80MW trong năm 2021. 

Trong quý IV-2020, Công ty ĐHĐ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 22-5-2020. Trong đó, toàn công ty phấn đầu hoàn thành kế hoạch sản lượng điện sản xuất đạt 2.571,12 triệu kWh, sản lượng điện thương phẩm đạt 2.543,13 triệu kWh. Công ty ĐHĐ phấn đấu đạt lợi nhuận trước và sau thuế để đáp ứng chỉ tiêu chi trả cổ tức năm 2020 theo Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông đã thông qua.

Hiện ĐHĐ đang quản lý, vận hành các nhà máy: Thủy điện Đa Nhim,  Đa Nhim mở rộng, Thủy điện Hàm Thuận, Thủy điện Đa Mi, Điện mặt trời Đa Mi. Từ đầu năm đến tháng 9-2020, ĐHĐ đạt sản lượng điện sản xuất 1.877 triệu KWh, sản lượng điện thương phẩm 1.862 triệu kWh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới