Đa số ĐBQH muốn lấy phiếu tín nhiệm hai mức

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa lấy phiếu thăm dò ý kiến các đại biểu (ĐB) QH về việc sửa đổi Nghị quyết 35 của QH về lấy phiếu tín nhiệm. Một số ĐB cho biết theo kết quả thăm dò này thì đa số chưa đồng tình với phương án mà Ủy ban Thường vụ QH đã trình vào đầu kỳ họp (cơ bản giữ nguyên như cũ, chỉ chuyển từ lấy phiếu mỗi năm một lần sang một lần duy nhất vào giữa nhiệm kỳ năm năm). Thay vào đó, ĐBQH cho rằng cần tiến hành lấy phiếu hai lần và chỉ với hai mức đánh giá.

Khác với Nghị quyết Trung ương 9

Trả lời báo chí sáng 18-6, bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Công tác ĐBQH (đơn vị chủ trì dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35) cho biết ban biên tập đã tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, bao gồm cả ý kiến thảo luận những ngày qua và kết quả thăm dò để hoàn thiện dự thảo.

“Ủy ban Thường vụ QH dự kiến trình QH phương án mới là việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được tiến hành hai lần trong một nhiệm kỳ và phiếu đánh giá chỉ ghi hai mức tín nhiệm và tín nhiệm thấp” - bà Nương cho biết.

Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, chỉ nên duy trì hai mức tín nhiệm là tín nhiệm và không tín nhiệm. Ảnh: TTXVN

Phương án này có khác biệt với Nghị quyết Trung ương 9 hồi tháng 5-2014. Cụ thể, Nghị quyết Trung ương 9 nêu: Việc lấy phiếu tín nhiệm trong toàn hệ thống chính trị, từ trung ương tới cấp huyện, bao gồm cả kênh nhà nước (trong đó có QH, HĐND) và kênh tổ chức đảng được tiến hành định kỳ vào năm thứ ba (năm giữa nhiệm kỳ đại hội, tức một lần duy nhất cho mỗi nhiệm kỳ). Trường hợp đặc biệt thì tổ chức lấy phiếu tín nhiệm khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Các nội dung còn lại về đối tượng lấy phiếu, ba mức đánh giá tín nhiệm... vẫn giữ nguyên.

Về sự “mâu thuẫn” này, bà Nương giải thích: “Thực ra QH phải lắng nghe, tiếp thu ý kiến ĐB. Bởi ĐB là đại diện của cử tri và nhân dân. Cho nên vấn đề là ta vừa thực hiện nghị quyết của trung ương, thực hiện chủ trương của Đảng nhưng phải làm theo ý chí, nguyện vọng của nhân dân”.

Tín nhiệm không quá bán thì từ chức?

Với các điều chỉnh như trên, việc lấy phiếu tín nhiệm tại QH, HĐND sẽ được thực hiện lần đầu vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ và lần tiếp theo vào cuối năm thứ tư. Ứng với khóa này, việc lấy phiếu tín nhiệm theo hai mức có thể được tiến hành ngay cuối năm nay.

“Tuy nhiên, cần phân biệt lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc lưu ý như thế khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Phúc, những người đã được bầu, phê chuẩn và đang giữ chức vụ cụ thể được giả định là vẫn đang hoàn toàn đủ tiêu chuẩn, khả năng để gánh vác nhiệm vụ. Định kỳ hai năm một lần cần lấy phiếu để đánh giá mức độ tín nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đó. Tùy theo kết quả đánh giá thể hiện qua tỉ lệ phần trăm “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp” để người đó khắc phục mặt hạn chế, phần đấu hoàn thiện cá nhân.

Nếu kết quả tín nhiệm quá thấp, tới mức 2/3 phiếu là “tín nhiệm thấp” thì hậu quả pháp lý là người đó sẽ bị QH đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. “Thực ra là bỏ phiếu bất tín nhiệm và có thể bị bãi nhiệm luôn” - ông Phúc nói.

Còn tín nhiệm thấp ở mức quá 1/2 nhưng chưa tới 2/3 thì theo bà Nương, lúc ấy sẽ là áp lực dư luận để người đó cân nhắc việc từ chức.

THÀNH VĂN - NGHĨA NHÂN

Chỉ để tham khảo trong công tác cán bộ

Đây là quan điểm của Bộ Chính trị thể hiện trong Quy định 165/2013 về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Văn bản này quy định lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm và theo ba mức.

Theo quy định này, kết quả phiếu tín nhiệm hằng năm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những người có tín nhiệm thấp (từ 1/2 đến dưới 2/3 phiếu tín nhiệm thấp) cần được đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp.

Trường hợp tín nhiệm rất thấp (2/3 số phiếu tín nhiệm thấp), hay trong hai năm liền hoặc trong ba năm có hai năm bị tín nhiệm thấp thì cần kịp thời xem xét cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của Hội nghị Trung ương 9, Bộ Chính trị sẽ phải sửa đổi Quy định 165, chuyển từ lấy phiếu tín nhiệm định kỳ mỗi năm một lần sang một lần duy nhất vào năm giữa nhiệm kỳ công tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới