Theo phản ánh của ông M, năm 2019, cha mẹ ông mất để lại một căn nhà tại TP.HCM cho ba anh em nhưng không để lại di chúc.
Sau đó, sổ hồng căn nhà trên được sang tên, người đứng đại diện những người thừa kế quyền sử dụng đất là ông B. Vì muốn để nhà cho ông B lo thờ cúng cha mẹ nên ông M và người anh còn lại đã làm văn bản từ chối nhận di sản, văn bản này đã được chứng thực tại phường năm 2019.
Tuy nhiên, do ông B không thực hiện đúng thỏa thuận ban đầu mà muốn bán căn nhà trên nên ông M cùng người anh không còn muốn từ chối nhận di sản nữa.
Từ đó, ông M thắc mắc liệu quyền của ông đối với căn nhà trên có bị ảnh hưởng bởi văn bản từ chối di sản mà ông đã từng ký hay không?
Về vấn đề này, theo GS.TS Đỗ Văn Đại (Trường Đại học Luật TP.HCM), giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đã được cấp ghi nhận cấp cho ông B “là người đại diện của những người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản với người khác”.
|
GS.TS Đỗ Văn Đại, Trường Đại học Luật TP.HCM. |
Như vậy, đây không còn là di sản nữa mà tài sản chung của các đồng thừa kế. Lúc này sẽ không áp dụng các quy định của thừa kế, trong đó có quy định về từ chối nhận di sản nữa vì bản chất di sản này đã chuyển thành tài sản chung.
Theo GS.TS Đại, đã là tài sản chung thì sẽ không áp dụng các quy định về thừa kế mà sẽ áp dụng các quy định về tài sản chung, trong đó quyền yêu cầu chia tài sản chung và sẽ không giới hạn về thời gian yêu cầu.
Cạnh đó, theo GS.TS Đại, Điều 239 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về trường hợp chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu. Cụ thể, chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó. Tuy nhiên, việc từ chối nhận di sản này chưa đủ cơ sở để khẳng định là từ bỏ quyền sở hữu.
Vì vậy, nó vẫn là tài sản chung và quyền sở hữu vẫn được duy trì, nên nếu có một đồng sở hữu nào đó yêu cầu chia thì vẫn phải chia.