Người cầm đóa “đẫm tương tư” đầy tay của bao thế hệ đã vào cõi viễn mộng thăm thẵm.
Thời gian không còn thuộc về ông nữa, mặc kệ gió trần gian thổi giật liên hồi “trên bao la đồi nương”. Lúc tại thế, ông hát: “Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ”. Trời mơ vẫn là trời của trần thế, của không gian ba chiều. Còn viễn mộng là cõi vô thường phi vật lý mà mỗi phút dừng là một hằng thường tự tại. Tôi thấy, lần này, ông đã thực sự về “đồi sim” để thỏa nỗi “nhớ người vô bờ”. Tôi cũng thấy, ở đồi sim miền Trung, ông tái ngộ sư huynh đồng hương Bùi Giáng.
Bùi huynh bảo: Này, tau bình sinh chỉ chăn dê mà không hiểu sao lại viết: “Anh lùa bò về đồi sim trái chín/ Cho bò ăn cỏ giữa rừng sim” (Anh lùa bò về đồi sim trái chín)?
Họ Vũ cười mỉm: “Sư ca, bò, dê thảy đều là hình tướng”.
Bùi huynh cũng móm mém cười: Thảo nào mi đang chờ em “trên bao la đồi nương” rồi lại “ngồi khóc tuổi thơ bay”. Tại răng, hỉ?
Cả hai cười vang, đoạn rồi nắm tay đi tới một bụi sim ở sườn đồi và biến thành hai luồng hơi trắng tan vào ráng chiều.
Chào đời vào nửa sau thập niên bốn mươi của thế kỷ trước, chàng trai Vũ Đức Sao Biển học trung học ở quê nhà Quảng Nam và sau đó vào Sài Gòn. Vũ tú tài vào học Ban Việt Hán Ở Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn, đồng thời cũng theo học triết học ở Trường Đại học Văn khoa.
Ở tuổi đôi mươi, chàng sinh viên về quê nhà... Lạ, chàng đã làm điều ngược lại: Mấy hôm sau, thay vì ẩn nấp, chàng đã lên đồi sim để “ngồi khóc/hát tuổi thơ bay”.
Cái cách thế của Vũ Đức Sao Biển khiến tôi liên tưởng đến bức tranh “Con quỷ ngồi” của Mikhail Vrubel. Dĩ nhiên, con quỷ ở đây là một biểu tượng. Vũ ngồi đó, trên đồi, một mình, và một mình, nhìn xuống cuộc thế dưới kia mà như không nhìn, nghĩ về những loang loáng còn mất.
Và như thế, “Thu, hát cho người” không phải là nhạc não tình. Da diết mà trong sáng. Thương nhớ mà không chút ủy mị. Đại chúng mà không thời trang. Sang trọng mà không tháp ngà. Khóc như một giác ngộ. Một chấp nhận.
Nó cũng không hoàn toàn là nhạc tình dù có “ta”, có “em”, có “nhớ người vô bờ”, có “chờ” và “khóc/hát vì xa người”.
“Thu, hát cho người” là bài ca của con người nói về niềm nuối tiếc cho những gì trân quý đã tuột khỏi tay. Thử hỏi, cái quý giá nhất của chúng ta là gì nếu không phải là tuổi thơ như đức Jesus Christ đã nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước trời là của những ai giống như chúng” (Kinh Tân ước, Sách Phúc âm theo Thánh Matthew, Mc 10, 13-16; Lc 18, 15-17).
Người ta thường dẫn giải câu này trong Kinh Thánh thành câu văn có cú pháp rất đời là: Nếu giữ tâm hồn chúng ta là tâm hồn của con trẻ thì chúng ta mới được đi vào giang sơn của Chúa.
Rồi thư sinh họ Vũ trở lại giảng đường rồi đi làm ông giáo dạy Việt văn ở Bạc Liêu. Sau này, ông rời Bạc Liêu để làm ký giả và các công việc khác nhưng cái xoáy nước nơi hợp lưu của sông Vu Gia, sông Thu Bồn và sông Gành Hào đã òa lên phím đàn, trang giấy thơm thành những ca khúc rất được ưa chuộng như Điệu buồn Phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang, Đau xót lý chim quyên, Trở lại Bạc Liêu… ngọt xớt.
Không ít người nói, lạ, một người xứ Quảng như ông sao lại viết nhạc Nam bộ mùi mẫn đến vậy. Có gì đâu, sông nước Nam bộ hưởng phù sa vật chất của con sông Me Kong bồi tích từ những miền đất nó đi qua. Nhưng phù sa tinh thần thì nó nhận lại từ Thanh, Nghệ, Hoan, Ái, Rí, từ Thuận Quảng chớ đâu? Ai dám nói trong dòng tinh thần phương Nam không có lưu thủy hồn vía từ Vu Gia, Thu Bồn quê của Vũ Đức Sao Biển?
Phải tra cứu mới kể hết tác phẩm của Vũ Đức Sao Biển trên các lĩnh vực âm nhạc, văn, thơ, báo chí, biên khảo…
Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ ở tuổi hai mươi, Vũ Đức Sao Biển đã đi hết con đường nghệ thuật của ông với Thu, hát cho người theo cái quy luật quý hồ tinh bất quý hồ đa, như Thôi Hiệu với Hoàng Hạc lâu, như Hồ Dzếnh với Ngập ngừng và Chiều, như Hữu Loan với Màu tím hoa sim, như người cùng thời đồng hương Đinh Trầm Ca với Ru con tình cũ…
Ai sống trên đời cũng có một người tình cụ tượng và một người tình trừu tượng. Nhưng người tình nào mới khiến ta một hôm nào đó “ngồi khóc/ hát tuổi thơ bay” trong cái vũ trụ vây bủa bởi “Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người”?
Ở những nghệ sĩ có tài, ranh giới giữa kể với tạo một câu chuyện nhiều khi như sợi chỉ. Thành ra, Thu, hát cho người có lẽ là câu chuyện của mọi người trong ý nghĩa bản thể luận của nó chứ đâu còn là của riêng Vũ Đức Sao Biển!
Vũ Đức Sao Biển từng viết: “Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người”. Hôm nay, xin tiễn ông bằng Thu, hát cho người của chính ông.
Ông đi nhé. Sư huynh đồng hương họ Bùi đang đợi ông.
Trong “biêng biếc ánh chiều rơi”, tôi như nghe Bùi Giáng lẩm bẩm:
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước, miên trường phía sau
(Chào nguyên xuân)
(PLO)- Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã trút hơi thở cuối cùng vào 23 giờ 25 phút ngày 6-5 tại tư gia ở TP.HCM sau hai năm chống chọi với ung thư vòm họng.