Đồng bào người Bahnar sinh sống chủ yếu tại làng Mơhra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) vẫn lấy việc trồng lúa ở ruộng rẫy làm nghề chính.
Người Bahnar quan niệm rằng lễ cúng nhà rông là biểu tượng của cộng đồng, cũng là dịp để cảm tạ thần linh đã ủng hộ, giúp đỡ buôn làng trong thời gian vừa qua, xin được bình an và phát triển trong thời gian tới.
Tái hiện cảnh lễ cúng nhà rông của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Ảnh: TL
Theo người dân, sau ba năm kể từ ngày nhà rông mới được dựng nên, nếu trong làng không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra, vào thời gian nông nhàn, buổi lễ sẽ được diễn ra trong ba ngày, bắt đầu vào buổi sáng.
Lễ vật cúng gồm: Một con trâu đực đen, một con heo lớn, bảy con gà trống, một con gà mái, các loại rau, gạo… Ngoài ra mỗi hộ gia đình sẽ đóng góp mỗi ghè rượu, một cột gơng, cây nêu và chiêng trống.
Già làng được xem là chủ của buổi lễ, được xem là nằm trong hội đồng già làng, phải luôn có số người lẻ như ba, năm hoặc bảy người. Một việc làm rất đẹp của người Bahnar là trước khi diễn ra lễ cúng, người dân sẽ có cuộc họp để làm sạch môi trường cộng đồng.
Đây là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên lần thứ sáu năm 2017.