Cùng với cồng chiêng, cơm lam gà nướng, rượu là một thức uống không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của người dân bản địa Tây Nguyên. Tại Gia Lai, tùy vào vùng tự nhiên, người dân có những loại rượu riêng và cách làm độc đáo, uống say lòng người.
Độc lạ men vợ, men chồng
Mùa Tết, khi việc đồng áng đã thảnh thơi, tại xã Đắk Sơ Mei (huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai), nhiều bà con người Ba Na cũng bắt đầu một mùa mới là làm rượu ghè phục vụ cho các lễ hội, ngày Tết. Rượu ghè thơm ngon nơi đây được nhiều người gần xa biết đến khi được làm ra từ loại "men vợ, men chồng".
Men vợ, men chồng để làm rượu ghè. Ảnh: LK |
Với đôi tay khéo léo, những người phụ nữ đã nhào nặn nên những viên men rượu cực kỳ bắt mắt: Men hình tròn tượng trưng cho người phụ nữ (men vợ) và men dài tượng trưng cho người đàn ông (men chồng).
Theo truyền thống của người Ba Na nơi đây, có sự hòa hợp giữa nam với nữ thì men mới thơm, đây là truyền thống lâu nay của làng. Khâu nặn men cũng thú vị, các chị thường liếc mắt nhau, mỉm cười ma mị.
Nguyên liệu chính làm men gồm vỏ cây hyam ở trên rừng và các loại riềng, ớt cùng gạo tẻ. Riềng, ớt, gạo được rửa sạch nhiều lần rồi cho vào cối giã nhuyễn. Riêng vỏ cây hyam được giã riêng, sau đó vắt lấy nước trộn các nguyên liệu với nhau rồi nhào nặn thành men.
Men sau khi nặn xong, để khô sau ba ngày thì có thể sử dụng. Để bảo quản lâu và thơm hơn, men được gác lên bếp. Men này dùng ủ với nhiều loại như gạo, kê, mì, hạt bo bo... sẽ cho ra loại rượu thơm ngon sau 5 đến 7 ngày ủ.
Người dùng chỉ cần đổ nước lọc vào ghè, cắm cần là có thể thưởng thức được rượu thơm ngon. Khi uống rượu ghè, người làng hay dùng can (que đo mực nước, mỗi người uống mỗi can). Sau mỗi lần uống, nước sẽ được châm thêm và uống cho đến khi rượu nhạt mới thôi.
Theo già Kinh (62 tuổi, làng Đêr Tul), bí quyết để rượu thơm ngon là sau khi làm men xong, người làm rượu phải đọc câu “thần chú”: “Ơi ông Nhức ơi, ông dậy đi, đừng ngủ nữa. Dậy để làm rượu cho nó ngon, cho dân làng mình uống vui vẻ. Để dân làng hăng say làm ra lúa gạo, mì đầy kho. Dậy đi để cho dân làng được ấm no, hạnh phúc… Dậy đi, dậy đi ông Nhức ơi”.
Vỏ cây hyam, nguyên liệu chính làm men tự nhiên. Ảnh: LK |
Theo già Kinh, ông Nhức không phải là thần thánh gì mà chỉ là người hay say rượu nhất trong làng. Bởi theo phong tục, khi làm men xong thì phải đọc một bài khấn, gọi tên người hay say nhất trong làng, say mà say vui, không quậy phá. Nếu khi đang làm men, ông ấy đến chơi thì càng làm cho men ngon hơn.
Với người nơi đây, rượu ghè là thức uống mê say đồng thời là linh tửu để cúng thần trong các dịp lễ linh thiêng hay cưới hỏi, hội làng. Món ăn đi kèm với rượu ghè không thể thiếu cơm lam, gà nướng và bếp lửa ấm bập bùng cùng tiếng cồng tiếng chiêng rộn rã.
Để duy trì nét truyền thống của làng và vừa có thêm thu nhập, nhiều chị đã liên kết với nhau lập nhóm chị em thân thiết làm rượu bán. Trong đó, rượu có tiếng nhất làng là của hai chị em Thu và Yen, nhận được nhiều đơn đặt hàng.
Mẹ thiên nhiên "ban" rượu từ cây rừng
Ngoài rượu ghè, ở xã Đắk Pling (huyện Kông Chro) của Gia Lai cũng có một loại thức uống vô cùng độc đáo, hấp dẫn các "tín đồ lưu linh" là rượu được lấy từ thân cây đóak. Bà con Ba Na nơi đây luôn nâng niu bảo quản loại cây này, mệnh danh là “cây tiên tửu, cây rượu của Yàng”.
Cây đóak trông giống cây đùng đình, cau vua, những cây trưởng thành có thể cao hơn 20 mét. Thời điểm chín muồi để lấy rượu đóak là lúc cây bắt đầu trổ bông, kết trái vì cho lượng rượu dồi dào, thơm nồng hơn.
Cây đóak được bà con lấy nước làm rượu. Ảnh: LK |
Để lấy rượu đóak, người ta thường cắt bỏ buồng quả và cắm vào cuống một cái vòi bằng lồ ô dẫn nước thẳng vào can. Cách làm này sẽ lấy được rượu nhiều, chất lượng tốt nhất. Mặt khác, việc làm này sẽ hạn chế cây bị nhiễm khuẩn gây bệnh cho cây thay vì khoét thẳng vào thân để lấy nước.
Một trong những người có thâm niên nhất nghề săn “cây rượu của Yàng”, anh Đinh Lêu (làng Tơ Bưng) cho biết đã có thâm niên hơn 24 năm kinh nghiệm vào rừng lấy rượu đóak.
“Hồi nhỏ tôi hay theo bố lên rẫy, lên rừng nên học được cách lấy rượu từ đó. Rượu đóak có thể lấy quanh năm nhưng tốt nhất lấy trong mùa quả đóak từ tháng ba đến tháng bảy, cây to có thể lấy từ 15 đến 30 lít/ngày. Việc trèo lên cao lấy rượu cũng phải hết sức cẩn thận, nếu không may ngã xuống rất nguy hiểm” - anh Lêu nói.
Anh Lêu cho hay, người trong làng thường lấy rượu chủ yếu cho gia đình dùng, lúc nhiều mới mang đi bán. Rượu đóak thơm nồng, vị không gắt như rượu gạo, uống không đau đầu nên đàn ông, phụ nữ đều dùng được... Uống rượu đóak còn sướng hơn cả uống bia.
Để lấy được rượu đóak, phải trèo lên cây rất nguy hiểm. |
“Rượu này, lúc mới lấy từ cây ra, nước trong vắt, uống vào có vị ngọt, mát như nước dừa. Sau khi bỏ men lá (một loại vỏ cây tự nhiên lấy từ cây rừng chỉ người Bana mới biết), nước chuyển sang màu trắng đục, có vị cay nồng của rượu, thơm ngọt” - anh Lêu nói.
Người Ba Na nơi đây tự hào được mẹ thiên nhiên ưu ái, cho loại rượu không cần nấu, ủ cũng thành thức uống thơm ngon, là thức uống không thể thiếu của người dân trong mỗi dịp lễ. Chính vì thế, cây đóak rất được người dân nâng niu bảo vệ như báu vật của làng.
Ông Nguyễn Văn Đát, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Kông Chro, cho biết trên địa bàn huyện, bà con người địa phương vẫn thường xuyên duy trì nấu rượu ghè theo phương thức truyền thống, là một nét văn hóa không thể thiếu trong các ngày lễ.
Riêng rượu đóak, tôi đã dùng qua rồi, có vị ngọt, chua, nếu uống nhiều sẽ bị say. Thường bà con hay lên rừng lấy về uống, thay cho bia rượu, do số lượng ít nên bà con dùng để uống trong các ngày lễ, đám cưới.