Đại án ngân hàng: Ông Trầm Bê nói chưa phục!

Ngày 10-1, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án Phạm Công Danh (giai đoạn 2), Trầm Bê và 44 đồng phạm cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng liên quan đến các ngân hàng.

Phần xét hỏi, đầu tiên HĐXX hỏi bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB). Mai cáo buộc là đồng phạm giúp sức tích cực cho Phạm Công Danh trong việc chuẩn bị nguồn tiền rút ra từ VNCB để đưa sang các ngân hàng, bảo lãnh cho 29 lượt vay tại Sacombank, TPBank và BIDV.

Ông Danh và cấp dưới nhắc lại “chuyện xưa”

Bị cáo Mai thừa nhận các hành vi vi phạm được nêu trong cáo trạng. Tuy nhiên, bị cáo đưa ra các đề nghị xem xét bốn ý gồm: Bối cảnh dẫn đến việc phạm tội, xem xét lại thiệt hại chính xác hơn, đề xuất khắc phục hậu quả và xem xét một số hành vi của nhóm người khác tránh bỏ lọt hành vi phạm tội mà cáo trạng có nêu. Bị cáo Mai nhiều lần nhắc đến nhóm ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích với các dòng tiền…

Tương tự, bị cáo Danh cũng khai các khoản chi phí lớn và áp lực lớn chăm sóc khách hàng là nguyên nhân dẫn đến hậu quả trong vụ án này. Cụ thể, bị cáo phải trả bà Phấn 3.600 tỉ đồng không phải để mua ngân hàng. Đây là khoản tiền lớn để lấy tài sản nhưng không được và tiền thì vẫn chưa được trả lại. Cạnh đó ông phải trả lãi ngoài cho ông Trần Quý Thanh (có chứng cứ luật sư đang giữ) 2.760 tỉ đồng nhưng không được ghi trong cáo trạng.

Việc chi lãi ngoài nhiều lần được ông Danh nhắc lại dù HĐXX nhắc không thuộc phạm vi xét xử của giai đoạn 2. Thậm chí chủ tọa còn nhắc ông đã ba lần vi phạm nhưng bị cáo vẫn cố nói: “Tôi bức xúc nên tòa cho phép tôi nói”. Chủ tọa phiên tòa nhắc bị cáo Danh là khoản lãi trên trong khi xét xử giai đoạn 1 đã cho đối chất với Tập đoàn Thiên Thanh…

Đầu buổi xử, chủ tọa cũng đã lưu ý các luật sư được sử dụng số liệu đại án giai đoạn 1 để bào chữa cho các bị cáo. Nhưng phải hiểu cho đúng số liệu giai đoạn 1 của bản án đã có hiệu lực là thiệt hại 9.133 tỉ đồng (làm tròn) gồm vi phạm cho vay và cố ý làm trái. Vì trước đó luật sư của bị cáo Danh có bản kiến nghị gửi tòa nhưng đưa ra rất nhiều số liệu không thuộc giai đoạn 2…

Tòa hỏi về thương vụ vay 1.800 tỉ đồng với Trầm Bê, bị cáo Danh nói: “Trí nhớ của bị cáo rất kém nên không nhớ rõ nhưng khi nghe hai anh Trầm Bê và Phan Huy Khang khai thì chắc đúng như vậy”.

Bị cáo Trầm Bê tại tòa. Ảnh: QUỐC VŨ

Trầm Bê: Sao quen biết ông Danh lại có tội?

Trước ông Danh, ông Trầm Bê trả lời HĐXX khá rành rọt. Cụ thể, khi được hỏi bị cáo Danh có vay tiền hay không, bị cáo Bê trả lời ngay: “Tôi đồng ý thôi vì nếu có tài sản đảm bảo đầy đủ, bằng bất động sản hay tiền gửi tiết kiệm hoặc tiền mặt thì cho vay. Khách hàng có tài sản là tiền gửi tiết kiệm thì phải có sự ưu tiên”.

Tại tòa, ông Bê khai bản thân trình độ văn hóa là 6/12, là phó chủ tịch thường trực HĐQT, chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank. Ông cũng thừa nhận chưa nghiên cứu Luật Tín dụng nhưng đã có 10 năm làm chủ tịch Hội đồng tín dụng…

Cũng theo ông Bê, ông Danh là chủ tịch ngân hàng cũng có thể vay được vốn, có thể không vay được ngân hàng của mình nhưng vay được ngân hàng khác nên bị cáo đồng ý cho vay.

Chủ tọa hỏi lại: “Theo Luật Tín dụng việc cho vay quan trọng nhất là phải có phương án vay để làm gì, phương án trả nợ vay thế nào?”. Ông Bê đáp: “Quan điểm nhận thức của mỗi người khác nhau về vấn đề này. Tôi biết rằng nếu có tài sản đảm bảo, không bị thất thoát tài sản khi cho vay thì không bị khởi tố vụ án hình sự. Bị cáo chỉ nghĩ là bị cáo Danh đang đại diện cho một tổ chức/tập thể nào đó xin vay và có tài sản đảm bảo. Bị cáo cho rằng không chỉ Ngân hàng Đại Tín mà cả những ngân hàng khác thì cũng có thể làm như thế. Cho vay để kiếm lời là chuyện bình thường”.

Ông Bê nêu thắc mắc: “Thưa tòa, sao bị cáo thật thà từ đầu mùa cuối mùa quen với Phạm Công Danh là bị buộc tội cố ý làm trái. Làm ăn thì phải bàn bạc, làm việc trao đổi. Nhưng quen biết bàn bạc thì lại bị buộc tội cố ý làm trái, còn không quen biết thì không có tội. Trong khi làm ăn hàng ngàn tỉ thì phải quen biết…”.

Bị cáo này cho biết ông không phục việc bị khởi tố vì cả ông và Danh đều không có tư lợi nào trong vụ việc.

Tòa hỏi tiếp: “Bị cáo chỉ quan tâm đến tài sản đảm bảo nên đã góp phần gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo đã đọc giám định của Ngân hàng Nhà nước liên quan đến hành vi của bị cáo chưa?”. Ông Trầm Bê trả lời rằng giám định đó luẩn quẩn, chưa phục lắm, mong thẩm phán xem xét hồ sơ lại.

Bị cáo tiếp: “Tôi mong muốn luật rõ ràng hơn để những người khác không bị như bị cáo. Bị cáo không cố ý làm trái nhưng luật đã không ghi rõ việc cho vay. Bị cáo không có tư lợi hay gì trong sự việc này. Bị cáo là doanh nghiệp, làm ăn. Khi nghe luật sư nói rằng quen bị cáo Danh thì thành nọ kia, không quen bị cáo Danh thì khác... khiến bị cáo hoang mang quá. Đã làm ăn thì phải quen biết nhau thôi. Bị cáo không thay đổi lời khai ở CQĐT nhưng trong khái niệm thì mong HĐXX đánh giá lại từ ngữ vì làm ăn thì phải quen biết nhau, bàn bạc…”.

Đề nghị giải tỏa kê biên nhà của chị vợ

Tại tòa, bị cáo Trầm Bê mong HĐXX xem xét giải tỏa lệnh kê biên một trong hai bất động sản. Vì theo bị cáo, một trong hai căn nhà khi coi kỹ lại giấy tờ thì phát hiện đó là của chị vợ ông.

Tòa hỏi sao tại CQĐT bị cáo lại khai là nhà bị cáo. Trầm Bê trả lời là bản thân bị cáo cũng không nhớ, từ lâu rồi nên cứ nghĩ là của mình nhưng giấy tờ là của bà chị, anh cột chèo. Anh cột chèo thì mất lâu rồi.

Tòa truy: “Có khi nào là nhà của bị cáo mà lại nhờ bà chị đứng tên không?”, bị cáo Trầm Bê đáp: “Căn nhà đó cũng không đáng bao nhiêu, chỉ có mười mấy tỉ à… Của bà chị và giờ bà yếu lắm rồi. Mong tòa xem xét việc kê biên căn nhà đó…”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới