Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: 'Không phải cứ có tiền là có văn hóa'

(PLO)- Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, để phát triển văn hóa thì điều cần làm ngay là đầu tư cho giáo dục, cho y tế, để trẻ em được đến trường, được hưởng những chế độ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Đa số các đại biểu tại đoàn TP.HCM đều ủng hộ việc đầu tư cho văn hóa, tuy nhiên đề nghị cần làm rõ một số vấn đề.

Cần tránh ‘người có tiền sẽ được phục vụ trước’

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhìn nhận trong giai đoạn hiện nay đang có những dấu hiệu hết sức báo động về văn hóa, do vậy việc đầu tư cho văn hóa lại càng cần thiết hơn bao giờ hết.

“Tôi không đồng ý với cách xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa như vậy rồi sau đó lại loay hoay lấy vốn từ ngân sách hay xã hội hóa…” – bà nói và khẳng định những mục tiêu đề ra vốn là nhiệm vụ của ngành văn hóa lâu nay.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan: 'Không phải cứ có tiền là có văn hóa'
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: NT

Bà đồng ý với việc cần đầu tư cho văn hóa nhưng phải tính toán lại về mặt giải pháp và có tính toán cụ thể trên thực tế khi thực hiện, tránh việc ‘người có tiền sẽ được phục vụ trước’.

“Chúng ta đừng nghĩ văn hóa là cái có thể liệt kê với số lượng bao nhiêu sự kiện được tổ chức, bao nhiêu tượng đài được xây dựng, bao nhiêu chương trình phim này, phim kia ra rạp… đó không phải cốt lõi của văn hóa” – bà Phong Lan nhấn mạnh và cho rằng không phải cứ có tiền là có văn hóa. Bởi theo bà, có những quốc gia rất phát triển nhưng khi tiếp xúc mới thấy đạo đức, văn hóa trong một bộ phận lớp trẻ của họ “rất kinh khủng”.

Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, văn hóa chính là tinh thần nhường cơm sẻ áo, giảm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo; hạ tầng giao thông được đảm bảo, không phải lội nước mỗi khi mưa xuống; các thủ tục hành chính được cải thiện, người dân không còn phải trả các chi phí “bôi trơn”…

Đặc biệt, bà Lan cho rằng để phát triển văn hóa thì điều cần làm ngay bây giờ là đầu tư cho giáo dục, cho y tế, để trẻ em được đến trường, được hưởng những chế độ chăm sóc sức khỏe tốt nhất.

tran-hoang-ngan.jpg
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. Ảnh: NT

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, văn hóa không chỉ là văn học nghệ thuật mà còn bao gồm cả phong cách sống, phương thức chung sống, các hệ giá trị truyền thống và niềm tin. Từ đó, ông Ngân cho rằng với phần vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp được bố trí tối thiểu khoảng 77.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2025-2030 (63%) sẽ phân bổ cho đối tượng nào, cho địa phương, chương trình nào thì cần tính toán cụ thể, nếu không sẽ dẫn đến sự trùng lắp.

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, đây là chương trình mang tính chất phát triển văn hóa nên phải đầu tư đúng để phát huy được truyền thống văn hóa lịch sử; đầu tư đúng nơi có khả năng bảo tồn, phát triển các di tích văn hóa để trở thành ngành công nghiệp sức mạnh mềm, góp phần vào phát triển kinh tế.

“Trong huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa phải chú ý nhiều hơn nguồn lực xã hội, nguồn lực ngoài ngân sách” – đại biểu Ngân nói và cho rằng để làm được điều này thì cần cơ chế cụ thể.

Văn hóa là sức mạnh nội sinh của dân tộc

Nêu ý kiến tại phiên thảo luận tổ về đầu tư cho các mục tiêu phát triển văn hóa, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định đây là việc cần thiết. Tuy nhiên, ông cho rằng nguồn lực phát triển văn hóa phải là nguồn lực xã hội, trong đó có nguồn lực ngân sách. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển văn hóa từ các đơn vị sự nghiệp công, các doanh nghiệp…

CHU-TICH-TP.HCM-PHAN-VAN-MAI.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: PHẠM THẮNG

Về mặt tiếp cận, Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận cần khuôn lại mục tiêu, hành động trong khoảng 10 năm để có thể đo lường được những kết quả cụ thể. Cùng đó, thiết kế các cơ chế, chính sách nhằm thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong chương trình mục tiêu phát triển văn hóa.

“Thực tế, phần kinh phí đầu tư từ ngân sách cho phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030 là hơn 122.000 tỉ đồng; giai đoạn 2030-2035 là hơn 135.000 tỉ đồng không lớn. Vấn đề ở đây là hiệu quả, đầu tư vào phần nào” – ông Phan Văn Mãi nói và cho rằng cần chỉ rõ phần nào ngoài ngân sách đầu tư không hiệu quả cần nhà nước đầu tư, phần có hiệu quả thì tạo cơ chế, chính sách, đặc biệt phải chú ý tới công nghiệp văn hóa.

Chia sẻ thêm, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM có đề án phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào GRDP của TP là 10% GRDP. “GRDP năm 2023 của TP là khoảng 1,6 triệu tỉ đồng, như vậy 10% này là rất lớn” - ông nói và cho biết rất cần có sự tập trung, có cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp văn hóa.

Ông cho rằng nguồn lực phát triển chủ yếu trong lĩnh vực này là sự tham gia của xã hội, chúng ta chỉ đầu tư về mặt thể chế, nhân lực, hạ tầng cơ bản, còn lại là sự tham gia của doanh nghiệp.

Sau cùng, ông Mãi cho hay chỗ này, chỗ kia có đặt ra việc xây dựng các thiết chế văn hóa tầm thế giới, khu vực nhưng hơn cả chúng ta cần chú ý đến bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc. “Đây mới chính là sức mạnh nội sinh, làm cho Việt Nam khác với các dân tộc khác, khác với nền văn hóa khác” – ông nói và khẳng định văn hóa dân tộc phải là cái nền, cái lõi của văn hóa Việt Nam.

Khơi gợi lòng yêu nước cho thế hệ trẻ

Góp ý thêm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng cho rằng việc chi tiền đầu tư, phát triển cho văn hóa là điều rất cần. Nguồn lực để chi phát triển văn hóa có thể là từ ngân sách nhà nước, của các cấp, các ngành nhưng quan trọng hơn cả là nguồn lực của xã hội, của người dân hay nguồn lực từ các chương trình hợp tác quốc tế

“Vấn đề đặt ra ở đây là hiệu quả. Khi tổ chức một chương trình văn hóa thì điều gì sẽ đọng lại trong đầu, trong trái tim những đứa trẻ sau khi tham dự?” – đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi và nhấn mạnh đó mới là đích cuối cùng cần đạt được của việc đầu tư văn hóa, giúp tạo sự chuyển biến về đạo đức, tình cảm cũng như khơi gợi lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm