Phí công đoàn chi trực tiếp trở lại cho người lao động khoảng 84%

(PLO)- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết theo tính toán, thực tế thì phí công đoàn chi trực tiếp cho người lao động lên tới khoảng 84%.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-6, tiếp tục phiên làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Nội dung được các đại biểu quan tâm nhiều là việc duy trì mức kinh phí công đoàn 2%.

25% chi cho công đoàn cấp trên

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết kinh phí công đoàn được để lại công đoàn cơ sở 75% để chăm lo trực tiếp cho công đoàn viên, người lao động. Còn lại 25% được phân phối cho ba cấp công đoàn là cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở, cấp tỉnh và trung ương.

Ông Nguyễn Đình Khang: Kinh phí công đoàn chi trực tiếp cho người lao động khoảng 84%
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: QH

Ông Khang khẳng định: Thực chất số kinh phí phân phối cho cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở cũng quay trở lại chăm lo cho công đoàn viên và người lao động. Một số công đoàn cơ sở thì 75% để lại không đủ chi cho các hoạt động, khi đó cấp trên trực tiếp sẽ điều tiết lại, cấp bổ sung.

"Chúng tôi tính toán thực tế kinh phí chi trực tiếp cho người lao động lên tới khoảng 84%" - ông Nguyễn Đình Khang nói và cho biết phần còn lại là chi tiêu cho ba cấp.

Về mức thu kinh phí công đoàn, ông Khang nói với mức lương bình quân toàn quốc hiện nay khoảng 8,2 triệu đồng thì tiền lương bình quân của công nhân khoảng 100 triệu đồng/năm. “Mức thu phí công đoàn khoảng 2 triệu đồng” – ông nói và cho biết với mức tính toán như hiện nay thì phần để lại cho công đoàn cơ sở khoảng 1,5 triệu đồng cho mỗi lao động.

Khoản tiền này được dùng chi cho thăm hỏi, ốm đau, quà tết, sinh nhật và chi thưởng cho các hoạt động phong trào văn hóa tại công đoàn cơ sở. “Tính trung bình mỗi công nhân chỉ 1,5 triệu chứ không nhiều nhặn gì” - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nói thêm.

Ông Khang chia sẻ: “Chúng tôi cũng có một chút tích lũy từ năm 1957 đến nay. Tổng Liên đoàn cũng có đề xuất cho sử dụng vào xây nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động…. Luật Nhà ở cũng đã quy định điều này, sau này Chính phủ sẽ có nghị định quy định cụ thể về nội dung này”.

Về cơ chế phân chia kinh phí công đoàn, ông Nguyễn Đình Khang cho hay Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất hai phương án. Phương án một là giao Chính phủ quy định cụ thể tỉ lệ sử dụng. Phương án hai là quy định trong luật với tỉ lệ 75-25 như mức lâu nay đang thực hiện. Ông cho rằng với tỉ lệ đang thực hiện có sự ổn định và phát huy được tác dụng.

“Qua khảo sát ở các nước thì tỉ lệ phân bổ cũng dao động 73-75%. Như vậy cũng đảm bảo chăm lo cho toàn bộ hệ thống” – ông Nguyễn Khang nói thêm.

tran-thi-dieu-thuy.jpg
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: NT

2% là sự san sẻ

Ủng hộ việc tiếp tục mức đóng kinh phí công đoàn 2%, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đây là nguồn lực để giúp tổ chức công đoàn có thể duy trì hoạt động được tốt nhất.

Bà Thúy dẫn chứng, nhìn lại suốt quá trình ba năm chống chọi với dịch bệnh COVID-19 sẽ thấy số tiền mà công đoàn bỏ ra để cùng với doanh nghiệp, Nhà nước chăm lo, hỗ trợ cho người động tại chính các đơn vị là rất lớn.

“Ở đây là sự san sẻ” – bà Thúy khẳng định và cho biết thời điểm dịch COVID-19, công đoàn của TP.HCM nhận được 400-500 tỉ đồng từ công đoàn Việt Nam để chăm lo chung cho công đoàn viên và người lao động, kể cả nhóm công đoàn viên mất việc, doanh nghiệp bị thiệt hại do COVID-19… tại TP.

“Việc duy trì mức 2% là hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện để chúng ta có thể chăm lo tốt nhất cho người lao động tại các doanh nghiệp, địa phương” – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh.

Về phương án quy định để sử dụng phần kinh phí 2%, bà Thúy đồng ý với phương án giao Chính phủ quy định chi tiết việc thực hiện, quản lý. Bà Thúy cho rằng điều này là phù hợp và có sự linh hoạt. “Chính sách của Nhà nước liên quan đến tài chính, quỹ… sẽ thay đổi theo các pháp luật liên quan. Nếu quy định “cứng” tại luật này thì khi có những thay đổi về chế độ tài chính sẽ khó để điều chỉnh, sửa đổi” – bà lý giải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm