Đề xuất hình phạt cao nhất với người chưa thành niên phạm tội là 15 năm tù

(PLO)- TAND Tối cao cũng đề xuất mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-6, theo nghị trình, Quốc hội nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đáng chú ý, tờ trình do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình ký gửi Quốc hội cho hay dự thảo đã cải cách chính sách hình sự về hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên.

Hình phạt cao nhất là 15 năm tù

Theo đó, dự thảo giữ nguyên hệ thống hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.

Cạnh đó, bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.

Thời gian thử thách khi được hưởng án treo được giảm xuống không quá 3 năm.

Chanh-an-Nguyen-Hoa-Binh.jpeg
Chánh án TAND Tối cao ký tờ trình gửi Quốc hội về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Ảnh: PHẠM THẮNG

TAND Tối cao cũng đề xuất mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện. Mức tiền phạt không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định.

Ngoài ra, dự thảo quy định theo hướng giảm mức hình phạt cao nhất đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù.

Trừ trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (Tội giết người; hiếp dâm; hiếp dâm người dưới 16 tuổi; cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; sản xuất trái phép chất ma túy) thì mức hình phạt theo quy định của pháp luật hiện hành đối với người chưa thành niên phạm tội.

Việc này nhằm “đề cao tính nhân văn nhưng vẫn bảo đảm nghiêm minh của chính sách hình phạt đối với người chưa thành niên” - theo TAND Tối cao.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành các quy định của dự thảo Luật.

Đề nghị chỉ giữ lại hình phạt tù

Cơ quan thẩm tra cho hay có ý kiến đề nghị cân nhắc chỉ quy định hình phạt tù; bỏ 3 hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ.

Ý kiến này cho rằng dự thảo Luật đã quy định giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng nghiêm khắc nhất thì cần thiết bỏ các hình phạt không có tính chất giam giữ trên, để thống nhất trong chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội…

Đề nghị sửa điều kiện áp dụng hình phạt tiền

Liên quan đến hình phạt tiền, cơ quan thẩm tra dự án Luật cơ bản tán thành dự thảo Luật bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội nếu cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện.

“Quy định này phù hợp với điều kiện hoàn cảnh kinh tế của người chưa thành niên và bảo đảm thực hiện nguyên tắc ‘xử lý chuyên biệt’” - theo Ủy ban Tư pháp.

Một số ý kiến tán thành dự thảo mở rộng đối tượng người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thu nhập hoặc có tài sản riêng được áp dụng hình phạt tiền. Lý do, theo quy định của BLHS hiện hành, cùng là người dưới 18 tuổi, nhưng chỉ cho áp dụng hình phạt tiền đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có thu nhập hoặc có tài sản riêng; còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có tài sản riêng lại không được áp dụng hình phạt tiền (chỉ bị áp dụng hình phạt tù hoặc cải tạo không giam giữ).

Quy định trên được đánh giá là ‘chưa bảo đảm công bằng’ và quy định như dự thảo Luật “không chỉ khắc phục bất cập của luật hiện hành, mà còn góp phần thực hiện tốt yêu cầu của Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 về ‘giảm hình phạt tù, mở rộng áp dụng hình phạt tiền’”.

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng bất cập chủ yếu trong quy định về hình phạt tiền hiện nay liên quan đến đối tượng người chưa thành niên phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo quy định của BLHS, người từ đủ 16 tuổi trở lên và người từ đủ 18 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà BLHS có quy định khác.

Tuy nhiên, người từ đủ 18 tuổi trở lên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng vẫn có thể được áp dụng hình phạt tiền; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên chỉ được áp dụng hình phạt tiền nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng…

Đây là sự chưa công bằng trong chính sách xử lý và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực tế 6 năm thi hành BLHS vừa qua, nhiều địa phương không có, hoặc rất hiếm trường hợp người chưa thành niên được áp dụng hình phạt tiền.

Từ đó, ý kiến này đề nghị sửa đổi điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tương tự như đối với người đã trưởng thành quy định tại Điều 35 của BLHS…

Đề xuất tách vụ án có người chưa thành niên bị buộc tội để xét xử độc lập

Tờ trình của TAND Tối cao nêu 8 vấn đề xin ý kiến Quốc hội, do còn ý kiến khác nhau. Trong số này có quy định về việc tách vụ án hình sự.

TAND Tối cao cho hay loại ý kiến thứ nhất cho rằng phải tách vụ án hình sự có người bị buộc tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập.

“Chỉ có như vậy mới thực hiện được yêu cầu rút ngắn thời hạn, giải quyết vụ án nhanh chóng, bảo đảm các quy trình tố tụng thân thiện, thực hiện chính sách hình sự chuyên biệt, tố tụng được tiến hành bởi các Điều tra viên, Kiểm sát viên và Thẩm phán…có chuyên môn, kinh nghiệm đặc thù và phù hợp với thông lệ quốc tế” - theo tờ trình của TAND Tối cao.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng không nên tách vụ án hình sự vì sẽ phát sinh nhiều vụ án, thêm nhiều thủ tục tố tụng không cần thiết và đề nghị giữ như Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến Uỷ ban Tư pháp đề nghị không quy định bắt buộc phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên để giải quyết độc lập, mà nên quy định theo hướng “ưu tiên việc tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội để giải quyết riêng”.

Lý do bởi có trường hợp việc tách vụ án có thể dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá toàn diện vụ án, cũng như xác định chính xác vai trò của từng đối tượng trong vụ án. Mặt khác, khi tách vụ án, người chưa thành niên phải tham gia vào quá trình giải quyết của cả 2 vụ án, điều này có thể tác động tiêu cực đến tâm lý và sức khỏe của người chưa thành niên.

Tuy nhiên, một số ý kiến trong cơ quan thẩm tra tán thành quy định phải tách vụ án hình sự có người chưa thành niên phạm tội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm