Bộ trưởng VH-TT&DL: Chế độ tiền lương, bồi dưỡng cho các nghệ sĩ đang rất thấp

(PLO)- Bộ VH-TT&DL nhìn nhận chế độ tiền lương, mức tiền bồi dưỡng cụ thể cho viên chức nghệ sĩ nhiều năm qua không có sự thay đổi, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu giờ chiều nay (5-6), Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng là tư lệnh cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp 7.

Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đã có báo cáo gửi đến các đại biểu về các vấn đề thuộc nội dung chất vấn, đáng chú ý là nội dung về chế độ chính sách đối với nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật, giải quyết việc làm cho nghệ sĩ sau thời kỳ biểu diễn đỉnh cao.

Bộ trưởng VH-TT&DL: Chế độ tiền lương, bồi dưỡng cho các nghệ sĩ đang rất thấp
Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nêu thực trạng về chế độ tiền lương, ưu đãi đối với các nghệ sĩ hiện còn rất thấp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đề xuất viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là công việc nặng nhọc

Theo Bộ VH-TT&DL, với đặc thù nghệ sĩ, diễn viên được đào tạo hết sức công phu, lâu dài (7-12 năm, một số bộ môn 15-16 năm). Tuổi đào tạo nghề thường từ 10 tuổi trở lên và phải có năng khiếu, thời gian hoạt động biểu diễn nghệ thuật rất ngắn, bình quân khoảng từ 15 năm đến 20 năm.

Tuy nhiên, khi đến độ tuổi 35-40 tuổi (đối với nữ) và 40-45 tuổi (đối với nam), khả năng biểu diễn bị suy giảm, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động chuyên môn của nghề biểu diễn như xiếc đế trụ, uốn dẻo, múa ballet...

Cạnh đó, những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn khi đã hết tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ hưu gặp khó khăn trong việc chuyển đổi vị trí việc làm từ diễn viên sang vị trí việc làm công chức, viên chức quản lý, hành chính vì không đáp ứng tiêu chuẩn.

“Trên thực tế diễn viên hết tuổi nghề nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thường mong muốn giải quyết chế độ để được nghỉ hưu sớm” – Bộ trưởng VH-TT&DL nêu.

Từ thực tế nêu trên, cơ quan này đề xuất xây dựng chính sách đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn thuộc “Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm” được xem xét về hưu sớm theo nguyện vọng khi đã tham gia Bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên. Mức hưởng lương hưu sẽ theo tỉ lệ đóng Bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, đề xuất xây dựng nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có quy định về chính sách tuyển dụng đối với người học các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật sau khi tốt nghiệp, có tài năng, năng khiếu phù hợp với vị trí việc làm.

IMG_3582.JPG
Bộ VH-TT&DL đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn… Ảnh minh họa: PLO

Chế độ tiền lương, ưu đãi chưa đảm bảo

Ngoài ra, cũng theo lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, chế độ tiền lương được tính cho phần lớn viên chức có chức danh nghề nghiệp diễn viên hạng IV từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06; diễn viên hạng III từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98.

Qua khảo sát, đánh giá, hiện nay, đối với viên chức lĩnh vực nghệ thuật có thâm niên công tác, đã cống hiến 10 năm (trung bình ở độ tuổi 35) được nhận khoảng 5 triệu đồng sau khi trừ bảo hiểm xã hội, chỉ nhỉnh hơn mức lương tối thiểu vùng.

Người lao động vừa được bổ nhiệm vào viên chức, ngạch diễn viên (trung bình ở độ tuổi 25), hệ số lương trung cấp của viên chức loại B bậc 1 sẽ là 1,86. Khi trừ 10,5% bảo hiểm xã hội thì thu nhập có nguồn gốc từ lương mà người viên chức được nhận thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, ăn, ở và đi lại đối với người diễn viên.

Chế độ bồi dưỡng luyện tập thấp nhất là 35.000 đồng/buổi tập và mức cao nhất là 80.000 đồng/buổi tập; chế độ bồi dưỡng biểu diễn thấp nhất là 80.000 đồng/buổi biểu diễn và cao nhất là 200.000 đồng/buổi biểu diễn.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, sau sáu lần tăng lương cơ sở, mức tiền bồi dưỡng cụ thể như trên vẫn giữ nguyên, không theo kịp so với nhu cầu của cuộc sống.

“Vì vậy không khích lệ, động viên được viên chức, người lao động chuyên môn trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn” – Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nhìn nhận và đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ bồi dưỡng luyện tập, bồi dưỡng biểu diễn đối với viên chức, người lao động chuyên môn lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn…

Các nội dung chất vấn Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng tập trung vào công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao.

Cạnh đó là việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo; giải pháp phát triển sản phẩm du lịch đêm; chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ KH&ĐT, Tài chính, GTVT, GD&ĐT, LĐ-TB&XH, Nội vụ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm