Sáng 30-3, theo nghị trình, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.
Mở đầu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (đại biểu (ĐB) QH tỉnh Bắc Kạn) nêu năm thành tựu nổi bật của công tác tư pháp theo đánh giá của cá nhân bà.
Không có án oan hay chưa phát hiện?
Theo bà Thủy, quyền con người, quyền công dân đã được bảo vệ ngày càng tốt hơn. “Trong lịch sử tố tụng của nước ta, đến nhiệm kỳ này, lần đầu tiên bị can được đọc tài liệu trong hồ sơ vụ án” - bà Thủy dẫn chứng. Khi xây dựng quy định này, nhiều ý kiến lo ngại việc bị can sẽ xé, hủy tài liệu, gây khó khăn cho hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, việc này đã đi vào nề nếp, bị can được đọc bản sao hồ sơ hoặc đọc hồ sơ được tải trên máy vi tính, qua đó bảo đảm quyền hiến định của người bị buộc tội…
Bà Thủy cũng ấn tượng với quy định thực hiện bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can. Trước đây, việc này chỉ được thực hiện khi “xét thấy cần thiết”, còn như thế nào là cần thiết lại thuộc quyền đánh giá của các cơ quan tố tụng. ĐB tỉnh Bắc Kạn cho rằng đây là thành tựu của nền tư pháp, là giải pháp quan trọng nhằm chống bức cung, nhục hình và là chứng cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ hỏi cung.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) phát biểu. Ảnh: Đ.MINH
Ngoài ra, bà Thủy cũng đánh giá tính tranh tụng trong tố tụng ngày càng rõ nét hơn. “Tính tranh tụng đối kháng, cọ sát giữa các chứng cứ, lý lẽ lập luận của các bên ngày càng mạnh mẽ, thậm chí là rất quyết liệt. Đây là những tín hiệu rất đáng mừng về một nền tư pháp công bằng, nghiêm minh” - bà Thủy nhấn mạnh.
Báo cáo của chánh án TAND Tối cao có một chi tiết được nhiều ĐBQH quan tâm là trong nhiệm kỳ “không để xảy ra trường hợp nào kết án oan người không có tội”.
ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng giữa chưa phát hiện kết án oan người không có tội và không để xảy ra kết án oan là khác nhau.
Đánh giá đây là vấn đề dư luận rất quan tâm, ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) nói: “Có phải thực sự là như vậy hay không? Không oan sai, chưa phát hiện oan sai hay chưa có văn bản của Nhà nước để minh chứng oan sai về mặt pháp lý?”.
Theo ông Phương, ngày 25-3, chánh án đọc báo cáo với nội dung nêu trên thì một ngày sau đó báo chí đã đưa tin về một trường hợp bị TAND TP Cà Mau kết án oan vào ngày 14-7-2016 (trong thời gian của nhiệm kỳ QH khóa XIV) về tội cố ý gây thương tích.
“TAND TP Cà Mau đang là bị đơn trong vụ án bồi thường thiệt hại và trách nhiệm bồi thường nhà nước. Dư luận quan tâm là báo chí thông tin không chính xác hay là công tác thống kê về oan sai của chúng ta chưa đầy đủ và kịp thời?” - ông Phương nêu vấn đề.
Tranh luận về tỉ lệ án oan
Tại phiên thảo luận, phát biểu của Phó Trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng (ĐBQH Bến Tre) khởi đầu cho cuộc tranh luận sôi nổi về một số chỉ tiêu trong hoạt động tư pháp và vấn đề họp liên ngành giữa ba cơ quan tố tụng.
Ông Nhưỡng cho rằng việc xác định tỉ lệ oan sai là không nên: “Tỉ lệ oan sai có liên quan tới một tỉ lệ rất quan trọng là liệu có hay không tỉ lệ công lý. Công lý làm sao có tỉ lệ được. Công lý là thứ gì đó vĩ đại, thiêng liêng, hoàn hảo, tròn trịa. Đề nghị QH khóa XV xem xét vấn đề này”. Ông Nhưỡng cũng đề nghị khắc phục sự tồn tại của các cuộc họp liên ngành tố tụng để bảo đảm độc lập tư pháp.
Bấm nút tranh luận, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Thanh Hồng (ĐBQH Bình Dương) cho rằng công lý là giá trị phổ quát và tất cả nền tư pháp các quốc gia trên thế giới đều hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Ông Hồng nói: “ĐB nói công lý không có giá, có chỉ tiêu của QH về chống oan sai, tôi cho rằng cách tiếp cận chưa hợp lý. Thực tế không phải chỉ Việt Nam có oan sai và vì vừa qua có oan sai nên chúng ta tìm ra các giải pháp, đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu. Nhưng không có nghĩa đặt ra chỉ tiêu này là mặc nhiên công nhận nền tư pháp của chúng ta có oan sai”.
Họp liên ngành là để thống nhất nhận thức pháp luật, đưa ra quan điểm để giải quyết vụ án đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, thực tiễn khi xử lý vụ việc. “Phối hợp ở đây không có nghĩa là làm giảm tính độc lập của xét xử. Việc này đúng với nguyên tắc các cơ quan nhà nước độc lập, phân công, phân quyền và có phối hợp” - ông Hồng tiếp.
Lúc này, Chánh án TAND TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho rằng trong báo cáo nhiệm kỳ của TAND Tối cao không có chỉ tiêu oan sai, chỉ nêu tỉ lệ án hủy, án phải sửa theo quy định của pháp luật.
Ông Chính cũng không nhất trí với quan điểm của ĐB Nhưỡng về họp liên ngành. Bởi những vụ án phải họp liên ngành đều là án khó, phức tạp. Họp để tìm ra những giải pháp: Một là tình tiết buộc tội; hai là tình tiết buộc tội không đủ thì phải loại bỏ, đình chỉ chứ không phải bàn nhau để thống nhất truy tố, xét xử.
Đối đáp lại, ĐB Lưu Bình Nhưỡng thừa nhận trong báo cáo và nghị quyết của QH không đề cập tới chỉ tiêu oan sai nhưng “không nên bẻ câu chuyện ra mà phải hiểu cho đúng”. “Khi anh nói về chỉ tiêu xét xử đúng thì phần còn lại là cái gì? Tất cả cử tri cả nước đều hiểu phần còn lại là phần oan sai” - ông Nhưỡng nói và cho rằng chỉ nên khẳng định cần phải xét xử đúng, không nên đặt ra chỉ tiêu.
“Chỉ riêng hình thức họp liên ngành thôi đã là không cần thiết rồi. Chưa cần biết có bàn hay không bàn vấn đề gì và biết đâu lại bàn rằng trường hợp này nhất định phải kết tội, phải xử bằng này năm. Thế nên dư luận mới đặt câu hỏi có hay không câu chuyện án bỏ túi là thế” - ông Nhưỡng nói.
Nhiều kiến nghị chưa có hồi đáp ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng nhiệm kỳ vừa qua, cá nhân ông, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng và một số ĐB đã nêu một số vấn đề, trong đó có những vấn đề Đoàn ĐBQH Đà Nẵng kiến nghị bằng văn bản nhưng đến nay vẫn chưa được hồi đáp. “Chúng ta tổng kết đến ngưỡng cuối cùng của kỳ rồi mà chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời. Ví dụ vụ Thuần Phong, vụ Trương Huy Liệu, vụ đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua tỉnh Kon Tum, hay vụ án mà chúng tôi quen gọi là vụ án ăn cắp củi khô ở Kon Tum. Tôi đề nghị các cơ quan tư pháp và Ủy ban Tư pháp quan tâm đến nội dung này” - ông Sơn nói. |