Đại biểu Quốc hội ủng hộ phạt 30-50% số tiền trúng đấu giá khi người trúng đấu giá 'bỏ chạy'

(PLO)- Nhiều ý kiến ủng hộ bổ sung quy định phạt 30%-50% giá trúng đấu giá khi không mua tài sản, đồng thời cấm tổ chức, cá nhân vi phạm tham gia đấu giá 3-5 năm…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 8-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phạt cao để hạn chế trúng đấu giá nhưng không mua

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho hay thời gian qua, trong đấu giá tài sản đã xuất hiện hiện tượng thao túng giá khởi điểm, bỏ giá rất cao rồi bỏ cọc (tiền đặt trước - PV) nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo nhằm thu lợi, tạo nên cơn sốt đất ảo. Do vậy, dự luật cần phải sửa đổi, bổ sung để chấn chỉnh những hạn chế, bất cập này.

Đại biểu (ĐB) Dương Văn Phước (Quảng Nam) đề nghị cần bổ sung quy định và chế tài nghiêm minh để xử lý các trường hợp trúng đấu giá nhưng tự ý từ chối kết quả. Theo ông, quy định của luật hiện hành (Điều 9, Điều 51 Luật Đấu giá tài sản) chưa quy định vấn đề này.

“Điều này dẫn đến hàng loạt trường hợp lợi dụng việc đấu giá để làm hình ảnh, tác động đến thị trường sau đó bỏ kết quả đấu giá như các vụ việc đấu giá đất của Tân Hoàng Minh, đấu giá biển số xe vừa qua” - ĐB Phước nói.

p6-anhchinh-2-DB-Phan-Thai-Binh.jpg
p6-anhchinh-1-db-duong-van-phuoc-119-3348.jpg
Hai đại biểu Dương Văn Phước (trên) và Phan Thái Bình thảo luận tổ vào chiều 8-11. Ảnh: TP

Cùng với đó, ĐB Phước đề nghị xem xét nâng mức tiền đặt trước lên mức tối thiểu là 20% và tối đa là 50% giá khởi điểm vì khung số tiền đặt trước như dự thảo luật đang quy định là quá thấp (tối thiểu 5% hoặc 10%, tối đa 20% tùy loại tài sản - theo dự thảo).

Về nội dung này, ĐB Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) phân tích quy định tiền đặt trước hiện nay thấp nên ở những vụ đấu giá đất hay đấu giá biển số xe thì giá trị tiền đặt trước rất nhỏ so với tiền trúng đấu giá. “Có những hợp đồng trúng đấu giá cao, sau này họ bỏ cọc, không mua tài sản trúng đấu giá. Điều này không những gây ảnh hưởng đến công tác đấu giá, mà còn gây tác động không lường đến tình hình kinh tế - xã hội” - ĐB Hiếu nói.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, nếu nâng tỉ lệ tiền cọc lên quá cao thì “cũng rất bất cập”, vì vô hình trung lại tạo thành hàng rào cản trở người tham gia đấu giá. “Do vậy tôi đề nghị bổ sung hình thức phạt hợp đồng. Trong trường hợp người trúng đấu giá bỏ cọc, không thực hiện hợp đồng mua tài sản khi đã trúng đấu giá thì bị phạt 30%-50% giá trị tài sản khi trúng đấu giá. Chứ không để các vị đấu giá trên trời rồi bỏ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác đấu giá và tình hình kinh tế nói chung” - ĐB Hiếu nói.

Đồng tình với ĐB Hiếu, ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) nói: “Nếu quy định tiền cọc quá cao thì thành rào cản, vì thế cần thiết phải phạt đối với trường hợp trúng đấu giá mà không mua tài sản. Không những thế cần phải cấm cá nhân, tổ chức vi phạm không được tham gia đấu giá trong thời gian 3-5 năm”.

ĐB Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đồng tình bổ sung quy định xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá bỏ cọc, không mua tài sản trúng đấu giá.

Dẫn vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc 600 tỉ đồng, ĐB Yến cho hay quy định hiện hành “chưa có chế tài” về vấn đề này. “Luật chỉ quy định người đã trúng đấu giá mà không đóng tiền thì mất tiền cọc theo Điều 19 Nghị định 39/2023 của Chính phủ” - ĐB Yến nêu.

Theo đó, ĐB đề nghị bổ sung quy định các tài sản do Nhà nước quản lý khi đấu giá thì không được bỏ cọc. Nếu có người bỏ cọc thì cần bổ sung, điều chỉnh sửa chế tài về hành vi bỏ cọc này. Có biện pháp phạt tiền gấp nhiều lần so với tiền cọc, có thể là 30% giá trúng đấu giá để tránh đấu giá thành rồi bỏ cọc.

“Nếu quy định tiền cọc quá cao thì thành rào cản, vì thế cần thiết phải phạt đối với trường hợp trúng đấu giá mà không mua tài sản và phải cấm cá nhân, tổ chức vi phạm không được tham gia đấu giá 3-5 năm.”

Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam)

Thêm nhiều điều kiện khi đấu giá tài sản giá trị lớn

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật vào chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết có ý kiến cho rằng việc nâng tỉ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng quy định tỉ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.

“Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản. Cụ thể, quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản bằng 50% giá mà người trúng đấu giá đã trả. Với giải pháp này, số tiền đặt trước có thể thấp nhằm thu hút nhiều người tham gia đấu giá, song số tiền phạt vi phạm nghĩa vụ là lớn sẽ ngăn chặn tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường” - ông Thanh nói.

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho hay đa số ý kiến tại Ủy ban Kinh tế nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Theo đó, dự luật có một số điểm mới, trong đó có bổ sung các quy định riêng về trình tự, thủ tục đấu giá đối với tài sản đặc thù bao gồm quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện…

“Đối với các loại tài sản này sẽ có quy trình đặc thù, do bộ chuyên ngành thiết kế, còn ở luật này chỉ quy định về mặt kỹ thuật. Kèm theo đó là phải nâng cao trình độ đội ngũ hành nghề đấu giá và thắt chặt quy trình thủ tục, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ Thủ Thiêm…” - ông Long nói.

Về mức đặt cọc, ông Long cho hay đối với những tài sản lớn, nếu nâng mức đặt cọc thì vô hình trung chúng ta dùng hàng rào kỹ thuật để loại bớt những cá nhân, doanh nghiệp không có điều kiện tài chính bằng những “ông lớn” khác.

Mặt khác, theo ông Long, khi đấu giá quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản… thì tiền đặt cọc chỉ là một trong các điều kiện để tham gia đấu giá. Còn nhiều điều kiện khác được quy định trong luật chuyên ngành. “Anh có bao nhiêu tài chính, uy tín của anh thế nào… phải đáp ứng rất nhiều điều kiện mới được tham gia” - ông Long nói.

Xác định giá khởi điểm chưa phù hợp với thị trường

P6-Anhbox-Hoang-van-Lien.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Liên (Kon Tum), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
 Ảnh: QH

Thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản vào chiều 8-11, ĐB Hoàng Văn Liên (Kon Tum), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dẫn ra ví dụ về việc đấu giá ba mỏ cát tại Hà Nội, giá khởi điểm ban đầu là 24 tỉ đồng nhưng kết quả trúng đấu giá là 1.684 tỉ đồng, tăng 46-204 lần.

“Mức chênh như vậy là quá cao, cho thấy việc xác định giá khởi điểm chưa chính xác, phù hợp với thị trường. Cần rà soát quy định, chế tài đấu giá của chúng ta đã đủ mạnh để bảo vệ quyền lợi cho người có tài sản, chống trục lợi hay chưa?” - ĐB Liên nêu.

Theo đó, ông đề nghị cần rà soát các quy định về giá khởi điểm.

Đồng thời, phải có quy định để ràng buộc các cơ quan, tổ chức có liên quan, xác định mức giá khởi điểm cơ bản phù hợp với giá thị trường, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân. ĐB cũng đề xuất về giá khởi điểm phải quy định một số nguyên tắc chung, sau đó Chính phủ quy định chi tiết hoặc giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

Về các hành vi bị cấm, luật hiện hành quy định năm đối tượng với đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá, hội đồng bán đấu giá, người có tài sản và người tham gia đấu giá.

“Nhưng có một vấn đề rất băn khoăn, nhức nhối là đấu giá quyền sử dụng đất. Tại nhiều vụ việc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” mua hồ sơ đấu giá, có trường hợp thao túng phiên đấu giá, nhiều trường hợp có kịch bản làm giá, trả giá, ghìm giá làm lợi, tiêu cực trong đấu giá tài sản, chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu giá tài sản” - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu.

Ông cũng dẫn nhiều cuộc đấu giá mà người trúng đấu giá rất rẻ hoặc giá rất sát với giá khởi điểm chênh không đáng kể, có thể đúng giá thị trường nhưng không thể loại trừ có lộ, lọt thông tin. Trong khi đó, dự thảo luật chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động đấu giá.

Vì thế, ông đề nghị cần có quy định để kiểm soát quyền lực, khắc phục một số tồn tại như “quân xanh, quân đỏ” hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm