Nếu có nhiều luật quá, QH không làm kịp, không có đủ kinh phí, thời gian để làm thì tôi xin thưa, cá nhân tôi sẽ nhận, vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp”. Đại biểu QH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã nói như vậy tại buổi thảo luận tổ vào chiều 24-5 khi thấy Luật Biểu tình không có tên trong chương trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh năm 2014 của QH.
Theo đại biểu Nghĩa, vấn đề biểu tình đã được đề cập từ Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp 1992 cũng đã nêu nhưng đến nay hai mấy năm vẫn không ban hành được Luật Biểu tình. Hơn nữa, chính Thủ tướng cũng đã đề nghị ban hành luật này từ kỳ họp trước. “Qua trao đổi với một số anh em công an, nhiều anh em họ cũng mong có Luật Biểu tình để dễ quản lý và đáp ứng mong mỏi của người dân. Với công cụ hiện nay quản lý không phù hợp, quy định đã lỗi thời, dễ đánh đồng giữa việc người dân biểu tình chính đáng đòi hỏi quyền lợi cho mình với việc tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự. Chúng ta đã nợ Luật Biểu tình quá lâu rồi, cần phải ban hành càng sớm càng tốt” - ông Nghĩa nhấn mạnh và cho biết ông sẽ hỏi lại thủ tục để xung phong vận động anh em trong ngành xây dựng dự thảo.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu của đoàn TP.HCM cũng đề nghị đưa nghị quyết cho TP.HCM thí điểm mô hình chính quyền đô thị vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014. Đây cũng là mong mỏi của nhiều cử tri TP. Ngoài ra, đại biểu Trần Du Lịch cũng đề nghị đưa một số luật liên quan đến tái cấu trúc như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản vào trong chương trình sửa đổi sớm. Thực tiễn vướng đến đâu thì sửa đến đó chứ không nhất thiết lập ban bệ soạn thảo rườm rà. “Chúng ta đang thực hiện tái cấu trúc thì những luật gì liên quan phải sửa mới tái cấu trúc được. Cái nào đất nước cần, thực tiễn bức xúc thì phải ưu tiên tập trung nguồn lực để làm” - đại biểu Lịch nói.
T.HẰNG