Bước vào cơ ngơ của ông Đinh Công Tường (quận 12, TP.HCM), ai cũng sẽ dễ bị choáng ngợp. Trong không gian rộng gần 800 m2, hàng ngàn cổ vật được sắp xếp và đặt ở mọi nơi trong nhà ông từ ngoài vườn, trên lối đi đến những phòng trưng bày.
Cổ vật của ông sưu tầm rất đa dạng và nhiều chủng loại không chỉ là đồ cổ Việt Nam mà còn xuất xứ từ nhiều quốc gia khác như: Pháp, Nhật Bản,Trung Quốc, Singapore, Hong Kong...
Ông Đinh Công Tường (sinh năm 1968) bắt đầu sưu tập đồ cổ từ năm 24 tuổi.
Ngoài các cổ vật gốm sứ ông còn sưu tập nhiều cổ vật bằng đồng, bạc, đá quý, gỗ hiếm... nhiều cổ vật của ông thuộc hàng hiếm như bình gốm men lục thời Lý, đĩa cổ Mai Hạc thời Nguyễn, tượng Chăm.
Là người gốc Hà Nội và lập nghiệp ở TP.HCM, xuất phát điểm của ông Tường là một người bán báo, sau đó ông trồng và kinh doanh cây cảnh. Từ năm 1982, ông Tường bắt đầu đi sưu tập đồ cổ sau khi dành dụm được một ít tiền từ nhiều công việc.
Ông Tường cho biết để sở hữu được một món đồ cổ ngoài vốn, ông phải bỏ công sức lặn lội và cũng cần có cái “duyên” mới tìm được.
Ông Tường chia sẻ: “Ông bà ta nói “kiến tha lâu đầy tổ”, tôi cũng vậy, mỗi chuyến đi tôi góp nhặt một ít. Thú sưu tầm đồ cổ không chỉ cần tiền mà phải có lòng say mê”.
Hơn 30 năm sở hữu hơn 100.000 cổ vật từ thế kỷ I đến thế kỷ XX, ông Tường đạt được nhiều kỉ lục như: Người sở hữu bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam với hơn 5.000 chiếc (năm 2014), Người sở hữu bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam (năm 2015), Người sở hữu bộ sưu tập bát (tô) cổ số lượng nhiều nhất Việt Nam (năm 2016). Ngoài ra, tổ chức Kỷ lục Đông Dương tại Việt Nam còn trao tặng anh bằng kỷ lục Đông Dương về bộ sưu tập “Gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương”. Ông Tường mong muốn trong tương lai sẽ mở một quán cà phê trưng bày đồ cổ để những cho những người mê đồ cổ gốm sứ và con cháu chiêm ngưỡng, học tập, tìm hiểu lịch sử. |
Một số hình ảnh trong bộ sưu tập của ông Đinh Công Tường:
Không gian nhà ông lấp đầy cổ vật khủng. Các cổ vật được ông sắp xếp theo từng chủng loại, từng giai đoạn.
Ông sưu tập từ thời đồ đá đến thế kỷ XX, đó là các dòng gốm như: Đông Sơn, Sa Huỳnh, Óc Eo, Chăm Pa, Lý - Trần - Lê, Chu Đậu, Biên Hòa - Lái Thiêu.
Các loại bình vôi gắn với tục ăn trầu thời xưa.
Đèn dầu qua các giai đoạn.
Những món đồ gốm sứ được ông Tường để mọi ngóc ngách trong nhà.
Theo ông Tường khó khăn nhất trong chơi đồ cổ là tìm khâu vận chuyển giữ gìn. Tiền mất có thể kiếm lại được nhưng cổ vật bị vỡ, hỏng thì không cách nào có lại.
Ông Tường trong gian gốm sứ thời nhà Minh.
Mỗi dòng gốm, ông Tường đều nghiên cứu các đặc điểm, tìm hiểu sâu về chúng.
Ông Tường thường xuyên tiếp bạn bè đến tham quan kho cổ vật khủng của mình.
Ông Tường được Kỷ Lục Việt Nam trao tặng nhiều kỷ lục. Năm 2019, tổ chức Kỷ lục Đông Dương tại Việt Nam trao tặng ông bằng kỷ lục Đông Dương về bộ sưu tập “Gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương”.