Mới đây, Trường ĐH FPT (ĐH FPT) có thông báo về việc chấp nhận sinh viên (SV) nước ngoài dùng tiền ảo bitcoin để đóng học phí. Đây là trường ĐH đầu tiên của Việt Nam làm việc này trong khi bitcoin còn rất mới ở Việt Nam và chưa được Nhà nước thừa nhận.
Thử nghiệm để thu hút sinh viên ngoại
Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch ĐH FPT, cho biết: “Đây thực ra chỉ là một kênh để SV nước ngoài thanh toán học phí cho trường chứ không phải trường niêm yết học phí bằng bitcoin. Tức là trường thông báo cho các em có thể mang bitcoin sang Việt Nam và có thể chuyển thành tiền để thanh toán học phí cho trường chứ không phải sử dụng nó như một loại tiền tệ để đóng như tiền Việt hay đôla”.
Về lý do thực hiện hình thức này, ông Tùng cho rằng thứ nhất nó xuất phát từ việc bitcoin là hiện tượng đang tồn tại ở các nước và nó cũng đang cần có chính sách quản lý. Hiện nay, có rất nhiều nước, nhiều trường đã sử dụng bitcoin như một công cụ để thanh toán học phí.
Thứ hai, ĐH FPT đang muốn thu hút SV nước ngoài đến Việt Nam để học tập ở trường nhưng công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ nên việc đóng học phí với các em đó là một trở ngại lớn. Nhiều phụ huynh ở các nước có tiền nhưng không chuyển đi được. Vì thế, bitcoin hiện nay như là một công cụ để giúp phụ huynh ở nước ngoài có thể mua bitcoin để chuyển cho SV, rồi SV chuyển nhượng lại ở đâu đó để có kinh phí đóng học phí cho trường.
Đại học FPT, trường đầu tiên thu học phí bằng bitcoin tại Việt Nam.
“Do đó, FPT quyết định thử nghiệm bằng cách chính thức và cụ thể hóa trong thông báo tuyển sinh SV nước ngoài sang học ở Việt Nam là có thể sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí để thu hút SV nước ngoài. Trước mắt, một là SV tự bán bitcoin để chuyển tiền mặt cho trường hoặc SV hiến tặng cho trường để đổi học bổng tương ứng để trường có bitcoin này phục vụ cho công tác nghiên cứu của trường” - TS Tùng nói rõ.
Lo ngại tạo tiền lệ không tốt
Theo TS Tùng, đây chỉ là thử nghiệm vì bản thân ĐH FPT cũng có nhu cầu sử dụng một số bitcoin để phục vụ cho công tác nghiên cứu của trường vì trường có đào tạo về quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng nên không thể đứng ngoài được.
Ông Tùng nói thêm trường thử nghiệm cũng chỉ ở quy mô nhỏ vì thực tế hiện trường chỉ có khoảng 100 SV nước ngoài theo học, chiếm 1% số SV. Còn để thực hiện chính thức thì chưa thể vì phải phụ thuộc quy định pháp lý và cần có hạ tầng công nghệ, hạ tầng kỹ thuật đủ mạnh để dùng bitcoin giao dịch như một đồng tiền bình thường.
“Về nguyên tắc thì FPT có thể mở một ví bitcoin bằng tài khoản để SV chuyển bitcoin cho trường bằng việc thực hiện qua mạng, do vấn đề pháp lý nên không thể xuất hóa đơn và không hạch toán được. Do đó, trường chỉ sử dụng giải pháp để SV hiến tặng cho trường và trường sẽ hoán đổi bằng cấp học bổng tương ứng. Còn về sau, khi có quy định cụ thể thì sẽ triển khai chính thức, khi đó cả SV nước ngoài lẫn Việt Nam đều có thể sử dụng” - ông Tùng cho biết.
Chưa có tiền lệ thu tiền ảo bitcoin Thứ nhất, ĐH FPT là một trường ngoài công lập; thứ hai, việc lưu hành đồng tiền ảo hay không là chuyện của Bộ Tài chính và NHNN. Các trường ngoài công lập họ thích thu bằng tiền gì là quyền của họ, Bộ không can thiệp. Bộ GD&ĐT chỉ có quyền quản lý nhà nước về chuyên ngành theo quy định chứ không quản lý về hành chính. Còn việc Bộ Tài chính có cho lưu thông chưa mà FPT cho SV đóng tiền bằng bitcoin thì nên hỏi lại rõ bên Bộ Tài chính. Các trường công lập thuộc Bộ GD&ĐT hiện nay chỉ thu học phí học sinh bằng tiền, còn đối với hệ đào tạo lưu học sinh là thu ngoại tệ, chưa có tiền lệ thu bitcoin. Ông TRẦN TÚ KHÁNH, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, HÀ PHƯỢNG ghi |
Nên hay không?
Chuyện thu học phí bằng bitcoin quả là chưa có tiền lệ, vì vậy chủ trương của ĐH FPT đã gây tranh cãi.
Còn nhớ trong tháng 9 rồi, TAND tỉnh Bến Tre đã xử một vụ kiện hy hữu liên quan đến bitcoin. Theo đó, ông Nguyễn Việt Cường kiện chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bến Tre và cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bến Tre ra tòa. Ông yêu cầu tòa buộc các cơ quan này hủy các quyết định truy thu thuế hơn 2,6 tỉ đồng đối với việc kinh doanh tiền điện tử của ông. TAND tỉnh Bến Tre đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Cường vì cho rằng loại hình tiền điện tử chưa được pháp luật coi là hàng hóa; việc truy thu thuế đã mặc nhiên xem loại tiền này là hàng hóa là không phù hợp.
Trở lại với vụ ĐH FPT thu học phí bằng tiền ảo, nhiều ý kiến cho rằng đúng là hiện nay Nhà nước chưa thừa nhận bitcoin là tiền tệ, là phương tiện thanh toán. Tuy nhiên, đây chỉ là thử nghiệm của ĐH FPT và trường cũng mới chỉ thu học phí loại tiền ảo này đối với SV nước ngoài…
Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng chủ trương của ĐH FPT không tuân thủ pháp luật, sẽ tạo tiền lệ không tốt cho chính sách tiền tệ của Nhà nước.
Trong khi chờ ý kiến chính thức của NHNN Việt Nam, chúng tôi mong nhận được các trao đổi của chuyên gia và bạn đọc.
Cho nộp học phí bằng bitcoin là chưa hợp pháp Cho đến nay, hầu như các quốc gia đều chưa thừa nhận tiền điện tử là một đồng tiền tệ. Các quốc gia thuộc khối Liên minh châu Âu vừa qua chấp nhận cho phép giao dịch bằng tiền điện tử nhưng chỉ là các giao dịch thuộc khối các doanh nghiệp tư nhân. Trung Quốc không cho phép sử dụng tiền điện tử trên toàn lãnh thổ. Các nước khác trên thế giới cũng chưa xem tiền điện tử là tiền tệ và có giá trị giao dịch. Tại Việt Nam, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, NHNN đã hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh tiền điện tử với tư cách là tiền tệ, phương tiện thanh toán. Cụ thể, cơ quan này đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2014 về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đã bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo khác) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự). Còn dưới góc độ là tài sản ảo, hàng hóa, NHNN cho rằng về bản chất tiền ảo là một loại tài sản ảo (thường có tên gọi là coin). BLDS 2005 và BLDS 2015 cũng chưa có định nghĩa, quy định cụ thể điều chỉnh đối với tài sản ảo (bao gồm cả tiền ảo với tư cách là một loại tài sản ảo). FPT là một trường ĐH ngoài công lập, được xem như một DNTN nhưng được thành lập bởi Bộ GD&ĐT. Trường hoạt động tuân theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam về giáo dục và tài chính. Do đó, việc trường chấp nhận nộp học phí bằng tiền điện tử là bất hợp pháp trong thời điểm này. ThS ĐẶNG XUÂN TRƯỜNG, giảng viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM PHƯƠNG LOAN ghi |