Đó là khẳng định của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường ĐH FPT. Ông cho biết trường "chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại".
Cũng theo ông Tùng thì việc thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin được xem là giải pháp khả thi, nhất là đối với các sinh viên đến từ Nigeria hiện vẫn đang rất khó khăn trong việc chuyển tiền ra nước ngoài để nộp học phí.
Ông Lê Trường Tùng chia sẻ thêm: "Bitcoin là một sản phẩm công nghệ. Là một trường ĐH đào tạo về công nghệ, chúng tôi thấy rất nên tìm hiểu, nghiên cứu, thử nghiệm những vấn đề mới mẻ của công nghệ, gắn nó với thực tiễn cuộc sống, điều mà hoàn toàn có thể xảy ra trong thời đại 4.0".
TS Trần Việt Hùng - người sáng lập GotIt cho biết: Việc ĐH FPT thử nghiệm thu học phí bằng bitcoin đối với SV ngoại cũng là rất bình thường. Nhưng nhìn chung là giờ không ai đoán được bitcoin nói riêng và công nghệ blockchain nói chung sẽ dẫn dắt thế giới đi tới đâu.
Dù là người không quan tâm nhiều tới các đồng tiền mã hoá như bitcoin hay ether nhưng TS Trần Việt Hùng lại rất quan tâm tới công nghệ blockchain đằng sau các đồng tiền đó.
"Bởi blockchain đã giúp giải quyết được hai vấn đề lớn trong lĩnh vực tài chính là tạo ra cơ chế kiểm soát lẫn nhau một cách tự động và tạo ra sự tin cậy trong môi trường mà các bên tham gia chưa chắc đã tin lẫn nhau, và chống tiêu tiền 2 lần. Với những đặc trưng đó giờ mang ứng dụng vào các lĩnh vực khác sẽ tạo ra nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt” - TS Hùng nhấn mạnh.
Liên quan đến xu hướng bùng nổ về hacker các loại tiền ảo trên thế giới, TS Hùng cho rằng người dùng phải giữ gìn tài khoản của mình một cách cẩn thận là điều chủ yếu. Đó có thể là cách tốt nhất để tránh rủi ro trước tình trạng tấn công an ninh mạng ngày càng lan rộng trên toàn cầu.
Hiện tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý nào về việc quản lý bitcoin. Ảnh minh họa
Trong khi đó, hiện tại Việt Nam vẫn chưa có khung pháp lý nào về việc quản lý bitcoin. Ngân hàng Nhà nước mới đây cho biết vẫn bảo lưu quan điểm bitcoin không phải là tiền tệ theo pháp luật hiện hành và cũng không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Nhận định về việc này, chủ tịch ĐH FPT cho biết việc NHNN "không công nhận" nhưng không có nghĩa bitcoin "không phải là tiền tệ" và Trường ĐH FPT sẽ quản lý bitcoin giống như một dạng ngoại tệ thông thường.
Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội hôm 25-10 vừa qua, đại biểu Phạm Phú Quốc đã đề xuất Việt Nam nên sớm luật hóa giao dịch bitcoin để giám sát giao dịch dân sự đã tồn tại thực tế và có thể thu thuế. Vị đại biểu này dẫn thực tế hiện nay các giao dịch mua bán bitcoin vẫn diễn ra, dù có hay không có luật. Như vậy "có giao dịch đồng nghĩa với phát sinh doanh thu, vậy Nhà nước phải tính chuyện quản lý, thu thuế thế nào" - ông Quốc nhận định.