Tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế, đem lại nhiều cơ hội cũng như thách thức trong hoạt động ngân hàng.
Sự xuất hiện của đồng tiền điện tử, tiền ảo đã tạo ra nhiều cơ hội, thách thức trong việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro phát sinh trong thanh toán và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là trước xu hướng các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ của các tổ chức không phải là ngân hàng (non-bank) đang phát triển rất mạnh.
“Đây chính là bài toán khó của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách” - ông Dũng nhấn mạnh.
Trước đó, NHNN khẳng định không công nhận Bitcoin và các loại tiền điện tử khác là đồng tiền được phép giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Không coi đó là phương tiện thanh toán, cấm tuyệt đối các tổ chức tín dụng cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động của Bitcoin.
Hiện trên thế giới có nơi chấp nhận tiền ảo, nơi không. Chẳng hạn như tại Nhật Bản thừa nhận Bitcoin là đồng tiền hợp pháp kể từ tháng 4-2017. Tháng 5-2017, Úc bãi bỏ việc thu thuế đối với Bitcoin và nó được "đối xử" như một loại tiền tệ cho mục đích thuế.
Gần đây, sáu ngân hàng thuộc tốp đầu thế giới cũng đang hợp tác cho ra loại tiền ảo riêng.
Trong khi tháng 9 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố cấm phát hành tiền ảo để huy động vốn. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sẽ có biện pháp về mặt pháp lý để chấn chỉnh hoạt động chào bán các đồng tiền ảo lần đầu.