Đại hội đồng LHQ họp giữa lúc thế giới nóng ran

(PLO)- Kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khai mạc trong bối cảnh thế giới và bản thân Liên hợp quốc đang đối mặt nhiều vấn đề lớn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 10-9 (giờ địa phương), kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ) chính thức khai mạc tại TP New York (Mỹ). Kỳ họp có sự tham gia của đông đảo các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ từ 193 quốc gia thành viên LHQ để thảo luận về những vấn đề của hệ thống quốc tế trong bối cảnh thế giới chứng kiến nhiều biến động như hiện nay.

Chương trình kỳ họp

Kỳ họp thường niên của ĐHĐ LHQ là một trong những sự kiện ngoại giao lớn nhất và được chú ý nhất mỗi năm. Theo trang web của LHQ (un.org), kỳ họp năm nay sẽ kéo dài đến cuối tháng 9 với nhiều hoạt động đáng chú ý.

Trong ngày 10-9, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres sẽ có bài phát biểu khai mạc sự kiện. Tuần lễ cấp cao của ĐHĐ LHQ với các cuộc họp lớn nhất sẽ diễn ra từ ngày 22 đến ngày 28-9.

Trong hai ngày 22 và 23-9, đại diện các quốc gia sẽ tập trung thảo luận về cách giải quyết các thách thức và lỗ hổng quan trọng trong quản trị toàn cầu do các cú sốc toàn cầu gần đây gây ra.

Cuộc họp nhằm tái khẳng định các cam kết đối với các Mục tiêu phát triển bền vững mà 193 nước thành viên đã đề ra vào năm 2015, bao gồm chấm dứt tình trạng nghèo đói cùng cực, giảm bất bình đẳng và bảo vệ hành tinh vào năm 2030. Cuộc họp cũng nhấn mạnh vai trò của Hiến chương LHQ, đồng thời tăng cường hợp tác và đặt nền móng cho một hệ thống đa phương.

kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc -1.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở TP New York (Mỹ) ngày 19-9-2023. Ảnh: REUTERS

Ngoài các cuộc họp như mọi năm, trong khuôn khổ kỳ họp của ĐHĐ năm nay còn có một “Hội nghị thượng đỉnh về tương lai”, kéo dài trong hai ngày 22 và 23-9, với mục tiêu thông qua hiệp ước “thúc đẩy hợp tác toàn cầu và thích ứng hiệu quả với những thách thức hiện tại”.

Bắt đầu từ ngày 24-9, đại diện các quốc gia sẽ lần lượt có bài phát biểu tại Phiên tranh luận chung trong tuần lễ cấp cao. Chủ đề của Phiên tranh luận chung là “Không ai bị bỏ lại phía sau: Cùng nhau hành động vì sự tiến bộ của hòa bình, phát triển bền vững và phẩm giá con người cho các thế hệ hiện tại và tương lai". Tại phiên tranh luận, các nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và các bộ trưởng sẽ thảo luận về các giải pháp cho những thách thức toàn cầu nhằm thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển bền vững.

Nhiều cuộc họp cấp cao cũng được tổ chức xuyên suốt kỳ họp. Trong ngày 25-9, các nhà lãnh đạo, chuyên gia,... sẽ dự cuộc họp về giải quyết các mối đe dọa hiện hữu do mực nước biển dâng cao. Sang ngày 26-9 sẽ là cuộc họp cấp cao về kháng thuốc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cuộc họp là cơ hội quan trọng để các nhà lãnh đạo thế giới cùng nhau giải quyết mối đe dọa đang rình rập mà tình trạng kháng thuốc gây ra cho sức khỏe toàn cầu.

Cũng trong ngày 26-9, ĐHĐ sẽ tổ chức phiên họp cấp cao về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân.

"LHQ là một tổ chức độc đáo và có lẽ hơn bao giờ hết trong gần 80 năm qua, cơ quan này đang phải đối diện một bước ngoặt" - bà Michelle Milford Morse, Phó chủ tịch Quỹ LHQ về Chiến lược dành cho phụ nữ và trẻ em gái.

Kỳ họp trong bối cảnh thế giới nhiều biến động

Kỳ họp lần thứ 79 của ĐHĐ LHQ diễn ra trong bối cảnh thế giới và bản thân LHQ đang đối mặt nhiều thách thức.

Đầu tiên là vấn đề liên quan cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ. Theo hãng tin Bloomberg, khi kỳ họp đến gần, ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi bổ sung thành viên thường trực cho Hội đồng Bảo an thay vì chỉ 5 thành viên (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, và Anh). Hầu hết ý kiến cho rằng nên bổ sung thành viên từ châu Phi, châu Á và Nam Mỹ, những khu vực chiếm phần đông dân số thế giới.

Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng vấn đề hiện tại của LHQ nằm ở quyền phủ quyết của các thành viên thường trực. Việc các thành viên thường trực liên tục phủ quyết đã cản trở đáng kể hoạt động của LHQ. Chẳng hạn, các chuyên gia cho rằng việc Mỹ gần đây sử dụng quyền phủ quyết để chặn hầu hết các dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an về cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza đã đưa cuộc chiến bước sang tháng thứ 11 mà chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Tuy nhiên, vào tháng 3 Đại sứ Munir Akram - đại diện thường trực của Pakistan tại LHQ - lập luận rằng việc thêm các thành viên thường trực, đồng nghĩa thêm phiếu phủ quyết, sẽ “làm trầm trọng thêm, chứ không giảm bớt” tình trạng bất ổn của cơ quan này.

kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.jpg
Trụ sở Liên Hợp Quốc ở TP New York (Mỹ). Ảnh: REUTERS

Khi LHQ bước vào kỳ họp thứ 79, loạt bất ổn toàn cầu đã xuất hiện từ kỳ họp từ 78 vẫn hiện hữu, thậm chí còn đáng ngại hơn. Ở châu Âu, cuộc chiến Nga - Ukraine leo thang nghiêm trọng trong vài tháng gần đây với những diễn biến đáng ngại ở cả chiến trường Ukraine lẫn trên lãnh thổ Nga. Tại Trung Đông, thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas liên tục gặp trở ngại bất chấp số người chết ở Dải Gaza đã gần 41.000. Ở châu Á, căng thẳng trên Biển Đông, bán đảo Triều Tiên và đảo Đài Loan vẫn chưa có hồi kết.

Bên cạnh các vấn đề địa chính trị, 17 mục tiêu phát triển bền vững mà các thành viên LHQ đặt ra chưa đạt tiến triển, và nhiều khả năng sẽ không thể hoàn thành vào năm 2024, đặc biệt là các mục tiêu về môi trường.

Tất nhiên, không thể đổ lỗi cho LHQ về các cuộc chiến tranh, thiên tai, nạn đói… nhưng với cương vị là một tổ chức quốc tế hàng đầu, việc điều tiết các vấn đề toàn cầu được xem là trách nhiệm của LHQ. Giới quan sát cho rằng những thách thức trên là cơ hội để LHQ chứng tỏ mình là một tổ chức phù hợp với thế hệ hiện tại và tương lai.

“LHQ là một tổ chức độc đáo và có lẽ hơn bao giờ hết trong gần 80 năm qua, cơ quan này đang phải đối diện một bước ngoặt. Đây là thời điểm phi thường trong lịch sử của tổ chức này để tính toán xem LHQ sẽ phù hợp với tương lai của nhân loại như thế nào” - theo bà Michelle Milford Morse, Phó chủ tịch Quỹ LHQ về Chiến lược dành cho phụ nữ và trẻ em gái.

Vấn đề Israel - Palestine tại kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Trong nhiều thập niên qua, vấn đề Israel - Palestine luôn là chủ đề nóng tại các cuộc họp của LHQ. Thế giới đang chờ đợi liệu kỳ họp năm nay sẽ giải quyết vấn đề này thế nào để mang lại công lý, hòa bình và phẩm giá cho cả người Israel và người Palestine trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas vẫn tiếp diễn.

Kỳ họp thứ 79 lần này sẽ là lần đầu tiên Palestine tham dự kỳ họp của ĐHĐ LHQ với tư cách thành viên quan sát sau khi LHQ hồi năm ngoái thông qua nghị quyết trao cho Palestine các quyền và đặc quyền bổ sung tại LHQ.

“Kỳ họp ĐHĐ lần thứ 79 là lần đầu tiên các bạn có thể thấy tên nhà nước Palestine (State of Palestine) ở giữa Sri Lanka và Sudan” - Phái đoàn Palestine tại LHQ chia sẻ trên mạng xã hội X hồi tháng 8.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có kế hoạch phát biểu tại kỳ họp năm nay của ĐHĐ LHQ, theo tờ The Times of Israel.

Một quan chức Israel nói với The Times of Israel rằng ông Netanyahu sẽ phát biểu vào ngày 26-9. Thủ tướng Israel cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo thế giới bên lề hội nghị. Lịch trình của ông vẫn đang được lên kế hoạch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm