Đằng sau việc Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi gia nhập BRICS

(PLO)- Ankara cho biết đang tiến hành các thủ tục để gia nhập BRICS và nếu được chấp thuận thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là nước NATO đầu tiên trở thành thành viên Nhóm nền kinh tế mới nổi cùng với Nga và Trung Quốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thổ Nhĩ Kỳ ngày qua lên tiếng về thông tin nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), hãng thông tấn Anadolu đưa tin.

Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Ngày 2-9, tờ Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS “vài tháng trước” và quá trình gia nhập có thể được thảo luận trong tháng 10 - thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS ở TP Kazan (Nga).

Bình luận về thông tin này, người phát ngôn của đảng Công lý và phát triển (AKP) cầm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Omer Celik hôm 3-9 nói: "Yêu cầu của chúng tôi về vấn đề [gia nhập BRICS] là rõ ràng, quá trình này đang diễn ra nhưng chưa có tiến triển cụ thể nào".

Erdogan-Putin at BRICS Summit in SA 2018.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (người thứ 2 từ phải sang) bắt tay Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2018 tại Nam Phi. Ảnh: SPUTNIK

Ông Celik cũng nhấn mạnh rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần tuyên bố rằng Ankara muốn trở thành thành viên BRICS.

Trong cùng ngày 3-9, Nga cho biết Tổng thống Erdogan sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS được tổ chức từ ngày 22 tới 24-10, song không nhắc tới việc liệu Ankara đã nộp đơn gia nhập khối hay chưa.

Ông Yuri Ushakov - Trợ lý đối ngoại của tổng thống Nga - cho biết lời đề nghị tham dự hội nghị BRICS tại TP Kazan đã được chuyển đến phía Thổ Nhĩ Kỳ và ông Erdogan đã chấp nhận.

Phía Thổ Nhĩ Kỳ chưa có bình luận về thông tin từ ông Ushakov.

Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ trong thế giới đa cực

Theo thông tin từ Bloomberg, động cơ cho quyết định của Ankara là nhằm củng cố ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trên toàn cầu và xây dựng mối quan hệ mới ngoài các đồng minh phương Tây truyền thống.

Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng việc gia nhập BRICS sẽ giúp nước này cải thiện quan hệ kinh tế với Nga và Trung Quốc và trở thành cầu nối thương mại giữa châu Á với Liên minh châu Âu (EU), cũng như trung tâm vận chuyển khí đốt từ Nga và Trung Á.

Thổ Nhĩ Kỳ nộp đơn gia nhập BRICS.jpg
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: BLOOMBERG

Chính quyền Tổng thống Erdogan được cho là đang dịch chuyển trọng tâm chính trị ra khỏi các nền kinh tế phát triển, vun đắp quan hệ với tất cả các bên trong một thế giới đa phương, song vẫn cam kết hoàn thành trách nhiệm của một thành viên Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), theo Bloomberg.

Ông Erdogan phát biểu hồi cuối tuần trước rằng “Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh, thịnh vượng, uy tín và hiệu quả nếu cải thiện đồng thời mối quan hệ với phương Đông và phương Tây”.

Ông Erdogan cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ định hướng ngoại giao nào khác cũng “không có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn gây hại cho đất nước”.

Quyết định của Ankara hướng tới BRICS cũng một phần chịu ảnh hưởng từ những rạn nứt trong nội bộ NATO sau khi Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết duy trì quan hệ gần gũi với Nga, cũng như trong bối cảnh thất vọng khi những nỗ lực gia nhập EU, vốn đã kéo dài hàng thập niên, vẫn bế tắc, Bloomberg viết.

Giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần nhắc tới ý định gia nhập BRICS. Hồi 4-6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan từng tuyên bố công khai rằng Ankara muốn gia nhập BRICS.

Vào thời điểm đó, Đại sứ Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ Jeff Flake bày tỏ hy vọng rằng Ankara sẽ không tham gia BRICS, song lưu ý rằng nguyện vọng của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không làm chệch hướng liên kết của nước này với các đồng minh NATO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm