Trước khi nhậm chức ngoại trưởng Mỹ, ông Rex Tillerson đưa ra ý tưởng Mỹ phải ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo đã xây dựng trái phép ở biển Đông. “Chúng ta phải chuyển đến Trung Quốc một tín hiệu rõ ràng: Thứ nhất, việc xây dựng đảo phải chấm dứt; thứ hai, sẽ không được phép tiếp cận các đảo này” - ông Tillerson nói khi điều trần trước Ủy ban Quan hệ đối ngoại Thượng viện hồi tháng 1.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn nhật báo Nga Kommersant ngày 12-3, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov nhận định Mỹ sẽ không thực hiện được ý tưởng này. “Điều này sẽ không xảy ra vì nó không bao giờ có thể xảy ra. Nói một cách nghiêm túc, tôi chỉ có thể cho rằng ông Donald Trump và cấp dưới của mình đang muốn áp cách tiếp cận trong kinh doanh vào chính sách đối ngoại -trước tiên là dọa dẫm sau đó là đến các giải pháp dựa trên sức mạnh” - ông Denisov trả lời hãng tin Sputnik liệu Mỹ có thể phong tỏa biển Đông và điều này có thể dẫn tới xung đột hay không.
Theo ông Denisov, có thể thấy khả năng này rất xa vời khi hiện tại quan hệ Mỹ-Trung không những không bị khủng hoảng mà còn có tín hiệu cải thiện, liên lạc, tiếp xúc hai bên thời gian gần đây đặc biệt tích cực và hữu nghị.
“Họ điện đàm và đối thoại trực tiếp. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì - một trong những nhà hoạch định chính sách đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc vừa thăm Mỹ và có nhiều cuộc gặp cấp cao tại đây. Có thông tin hai bên đang sắp xếp cho cuộc gặp đầu tiên giữa hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình”.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) tiếp Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Bộ Ngoại giao Mỹ tháng trước. Ảnh: AFP
Chuyên gia Đông Nam Á Greg Raymond tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng tại ĐH Quốc gia Úc cùng quan điểm với Đại sứ Penisov: “Mọi người có thể cho rằng phát ngôn của ông Tillerson là dấu hiệu của một chính sách cứng rắn. Tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có hành động nào thực thi các phát ngôn này. Chúng không có vẻ gì sẽ trở thành chính sách của Mỹ”.
Trong hơn 50 ngày làm việc đầu tiên của Tổng thống Trump, Mỹ vẫn tiếp tục đưa máy bay và tàu chiến tuần tra tự do hàng hải ở các vùng biển, tuy nhiên đây là chính sách của người tiền nhiệm Barack Obama, theo chuyên gia Raymond.
Một dấu hiệu nữa cho thấy khả năng lời nói của ông Tillerson thành chính sách không cao vì ảnh hưởng của ông với chính phủ Mỹ không cao, nếu so với các ngoại trưởng trước. Ông Tillerson đã không được ông Trump tham vấn về các tuyên bố chính sách quan trọng, cũng như bị gạt bên lề các cuộc gặp nguyên thủ các nước.
Phát ngôn “phải ngăn chặn Trung Quốc ở biển Đông” của ông Tillerson dù không làm Đại sứ Nga Denosov hay chuyên gia Raymond lo ngại nhưng lại làm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Prak Sokhon bất an. Theo ông Sokhon, điều này đặc biệt đáng lo khi lời lẽ của ông Tillerson lại xuất hiện trong bối cảnh tình hình biển Đông đang khá yên tĩnh, theo Phnompenh Post.
Phát biểu tại một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột (Campuchia) tổ chức, ông Sokhon bày tỏ lo ngại về sự can dự của Mỹ ở biển Đông, cho rằng khu vực này sẽ vẫn là “chủ đề nóng” trong thời gian tới.
Theo ông Sokhon, bên cạnh phát ngôn của ông Tillerson còn có một động thái đáng ngại nữa là đề xuất ngân sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi tăng 54 tỉ USD cho chi tiêu quốc phòng. Ông Sokhon cho rằng bất cứ nỗ lực tăng thêm chi tiêu cho quân đội Mỹ đều có nguy cơ gia tăng mất ổn định.