Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông (gọi tắt là FESS) của Việt Nam vừa công bố kết quả Giải thưởng Nghiên cứu Biển Đông 2016 nhằm hỗ trợ việc nghiên cứu và viết bài về Biển Đông của các tác giả/nhóm tác giả trong và ngoài nước. Chương trình kéo dài từ ngày 23-05-2016 đến ngày 31-12-2016.
Giải thưởng năm 2016 sẽ được chính thức trao vào ngày 10-3 tới đây tại Hà Nội.
Hội đồng giám khảo chấm Giải báo chí. Hình: FESS
Báo Pháp luật TP.HCM là một trong 5 đơn vị đạt “Giải báo chí về Biển Đông”, với loạt bài của phóng viên Đỗ Thiện, về “Vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài quốc tế: những dự báo và đánh giá ảnh hưởng trước và sau khi có kết quả vụ kiện”.
Loạt gồm các bài được tác giả chọn lọc trong các tuyến bài viết về biển Đông kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8-2016. Trong đó gồm các bài phỏng vấn các chuyên gia hàng đầu về Biển Đông như GS Alexander Vuving, chuyên gia an ninh làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ); Tướng Daniel Schaeffer (chuyên gia nghiên cứu xung đột biển Đông của Pháp); GS-TS James Kraska, chuyên gia chính sách và luật biển tại Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ; Ông Jeremy Lagelee (khoa Luật, ĐH Georgetown (Mỹ), nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm nghiên cứu Quốc tế SCIS - ĐH KHXH&NV TP.HCM); GS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ); TS Nguyễn Thành Trung, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM; PGS-TS Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo,...
Các tác giả - đơn vị đạt giải Báo chí về Biển Đông năm 2016. Nguồn: FESS
Hội đồng giám khảo giải thưởng gồm các các nhà nghiên cứu, chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu trong lĩnh vực nghiên cứu về Biển Đông. Hình: FESS
Đây là lần thứ hai báo Pháp luật TP.HCM đạt giải Báo chí Biển Đông. Lần đầu là năm 2014, với loạt bài “Giàn khoan Hải Dương – 981 trên bàn cờ Biển Đông của Trung Quốc và giải pháp cho Việt Nam”, cũng của phóng viên Đỗ Thiện. Ngoài ra, năm 2014 phóng viên Thanh Danh báo Pháp luật TP.HCM cũng nằm trong tốp 8 các bài viết nghiên cứu xuất sắc 2014, với đề tài: Liên minh sức mạnh hay cầu nối ngoại giao: Đánh giá trung cường quốc qua trường hợp Australia và Indonesia trong tranh chấp biển Đông.
Hội đồng xét duyệt giải thưởng năm 2016 gồm các các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có kinh nghiệm chuyên sâu trong các lĩnh vực nghiên cứu về Biển Đông, như PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược - Bộ Công An, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS. Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Lan Anh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông; PGS.TS. Nguyễn Ngọc Oanh, Phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS. Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông.
Theo thông báo của Ban tổ chức, kết thúc thời gian phát động, đã có hơn 70 tác phẩm bài tham dự của các thí sinh với nhiều chủ đề khác nhau bao gồm: Giáo dục, Chính trị Quốc tế, Luật pháp Quốc tế; Thông tin truyền thông,….từ nhiều cơ quan, tổ chức, trường viện, cơ quan báo chí trong và ngoài nước.
Xem lại loạt các bài viết được chọn lọc và đạt giải: PHẦN I - Dự báo vụ Philippines kiện Trung Quốc ở biển Đông + Lập trường của Trung Quốc suy yếu trầm trọng + Ra khỏi UNCLOS: Thế giới sẽ quay lưng với Trung Quốc + Ngăn PCA ra phán quyết, Trung Quốc chuốc khó + Trung Quốc sẽ phản đòn gì sau phán quyết của PCA? PHẦN II - Từ phán quyết của Tòa Trọng tài + Mặt trận pháp lý: Trung Quốc ‘trắng tay’! + Cán cân lực lượng mới ở biển Đông + Trung Quốc trở thành “cường quốc ngỗ nghịch” |
FESS là quỹ xã hội hoạt động không vì lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ, tài trợ cho việc nghiên cứu, viết bài về Biển Đông của tầng lớp trí thức, đặc biệt là các học giả, nhà nghiên cứu, nghiên cứu sinh, sinh viên trong và ngoài nước, cũng như những cá nhân trong và ngoài nước có tâm huyết muốn đóng góp sức lực và trí tuệ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, thúc đẩy các biện pháp gìn giữ hoà bình, ổn định và hợp tác ở khu vực Biển Đông. Quỹ đồng thời là kênh tập hợp, tìm kiếm, phát triển những cá nhân có năng lực và phẩm chất tốt để phục vụ cho công tác nghiên cứu các vấn đề về Biển Đông; phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quốc gia, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Giải thưởng Nghiên cứu biển Đông (gồm hạng mục Báo chí biển Đông) là một trong nhiều hoạt động thường niên của FESS. |