TỪ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI - BÀI 4

Càng chối bỏ, Trung Quốc càng hủy hoại mình

Nhiều thập niên trôi qua kể từ ngày Trung Quốc (TQ) ký gia nhập UNCLOS, trong khi nền kinh tế nước này từ chỗ nghèo khó bước lên hạng nhì thế giới thì tư duy luật pháp quốc tế của Bắc Kinh dường như không tỉ lệ thuận với thứ hạng họ đạt được trong kinh tế. Bắc Kinh thích tự mình giải thích và chọn lọc luật quốc tế theo hướng có lợi cho mình, còn những điều bất lợi, như phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12-7 thì tìm cách bác bỏ, hủy hoại. Cuộc tranh luận “con kiến kiện củ khoai” đang xoay quanh câu hỏi: Liệu rằng sử dụng luật quốc tế có thể “cưỡng ép” và thay đổi hành vi của một cường quốc hung hăng như TQ ở biển Đông hay không.

Không thể lấy “cơ bắp” đối đầu luật quốc tế

Cuộc tranh cãi giữa “quyền lực tuyệt đối của một quốc gia” và “quyền lực của luật pháp quốc tế” vẫn âm ỉ diễn ra suốt nhiều thập niên qua, ngay cả khi Liên Hiệp Quốc và nhiều thể chế quốc tế ra đời. Một bên, môi trường quốc tế là “vô chính phủ”, nước lớn nắm quyền quyết định luật chơi chung và một bên là quan điểm các nước dù mạnh đến mấy cũng phải tuân theo luật quốc tế sau hàng thế kỷ vẫn chưa có hồi kết.

Đối với vụ kiện chống lại sự bành trướng của TQ ở biển Đông, họ quan sát Bắc Kinh bằng lăng kính quyền lực và chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Họ cho rằng luật quốc tế không thể đứng trên quyết tâm “đại Hán” của Bắc Kinh, vốn đã có từ nhiều thế kỷ trước. Những chuyên gia luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế kỳ cựu như James Kraska (Trung tâm Nghiên cứu luật quốc tế Stockton - ĐH Hải chiến Mỹ), Jennifer Harris (chuyên gia cấp cao của Hội đồng Quan hệ Quốc tế, Mỹ),... thừa nhận rằng dường như khó có khả năng Philippines có thể trực tiếp cưỡng ép TQ thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài nếu không có thêm những áp lực khác. Thậm chí có đưa vụ kiện ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thì với lợi thế một phiếu phủ quyết (veto) cũng khó trừng phạt Bắc Kinh. Nói một cách nôm na, một cá nhân vi phạm pháp luậtthì nhà nước có thể dễ dàng cưỡng chế, buộc thi hành án phạt hành chính, phạt tù; nhưng khi một quốc gia như TQ vi phạm luật quốc tế thì khả năng cưỡng chế như vậy là rất khó khăn.

Tuy nhiên, sự thật không đơn giản như vậy. Phán quyết của Tòa Trọng tài vẫn là một thảm họa với TQ nếu nước này không thi hành. Những ai theo chủ nghĩa thể chế tin rằng phán quyết của Tòa Trọng tài với TQ có ý nghĩa, sức ảnh hưởng quan trọng đối với hành vi của TQ trong tương lai. Tại sao? Bởi dù là cường quốc thứ hai về quy mô kinh tế, trong một hệ thống quốc tế hình mạng nhện mà TQ chỉ là một điểm, TQ phải chịu ảnh hưởng qua lại về chính trị-ngoại giao, an ninh, kinh tế, văn hóa,... với tất cả nước còn lại như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, các nước ASEAN hay các quốc gia châu Âu. Các lợi ích to lớn từ sự ràng buộc với các nước buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh hành vi, thái độ và ứng xử phù hợp với quy định luật chơi chung. Nếu cứ hành xử trái lại, TQ sẽ lún sâu vào tình thế bị cưỡng chế tập thể.

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, nếu TQ vẫn tiếp tục hung hăng với ngư dân các nước đánh cá trong vùng biển của họ thì các vụ kiện có khả năng tiếp tục nổ ra để chống TQ. Ảnh: EPA

Philippines đã từ chối đề nghị đàm phán song phương do TQ khởi xướng vì TQ đối thoại mà “lờ” đi phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong ảnh: Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay (trái) và người đồng cấp phía TQ Vương Nghị. Ảnh: PHILSTAR

Hủy hoại giấc mơ siêu cường

Không nghi ngờ gì nữa về tham vọng trở thành siêu cường của TQ. Tuy nhiên, hiểu theo quan điểm của Joseph Nye (cha đẻ học thuyết sức mạnh mềm), để trở thành một quốc gia có tầm lãnh đạo thế giới, TQ phải có sức mạnh mềm, tức khả năng thuyết phục các nước khác. Sức mạnh mềm không nằm ở những gói viện trợ hấp dẫn, những khoản đầu tư siêu lợi nhuận hay các chiến lược phát triển kinh tế khổng lồ như “Một vành đai, một con đường”, “Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á” (AIIB). Mặc dù TQ cho rằng đã có một số nước ủng hộ TQ về vấn đề biển Đông nhưng thực tế cho thấy động cơ chính của các nước này xuất phát từ vấn đề lợi ích kinh tế hơn là sự chia sẻ quan điểm về việc hiểu và tuân thủ UNCLOS.

Quan sát dư luận quốc tế trong suốt thời gian vụ kiện từ năm 2013 đến nay, có thể thấy việc phản đối quan điểm pháp lý không giống ai của TQ, ủng hộ giải quyết tranh chấp biển Đông bằng UNCLOS vẫn là xu hướng chủ đạo. Trong quan hệ quốc tế, những quốc gia yếu thế về kinh tế, quân sự tương tự Philippines (chiếm phần đông của thế giới) càng có xu hướng chung ủng hộ luật quốc tế - như UNCLOS - trong tranh chấp để đảm bảo công bằng trước các nước “mạnh cơ bắp”, của nước lớn như TQ. Những quốc gia lớn hiện nay, ngay cả Mỹ hay các nước châu Âu, với vụ kiện vừa qua quan điểm của họ vẫn là đề cao thượng tôn pháp luật. Trong tình thế sức mạnh mềm đang bị tổn thương nghiêm trọng, nếu TQ muốn có sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế, không còn cách nào khác buộc TQ (trực tiếp hoặc gián tiếp) phải thừa nhận và chia sẻ phán quyết của Tòa Trọng tài. Nếu tiếp tục theo luật chơi riêng của TQ, sức mạnh mềm sẽ bị hủy hoại toàn bộ và giấc mơ trở thành siêu cường sẽ trở thành cơn ác mộng của Bắc Kinh.

Những “cánh tay nối dài”

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài, TQ dù không lên tiếng chấp nhận phán quyết nhưng có thể sẽ điều chỉnh yêu sách ở biển Đông theo hướng thông thoáng hơn, tận dụng phương tiện ngoại giao để giải quyết tranh chấp mà các bên đều chạm ngưỡng hài lòng, như việc kêu gọi Manila đàm phán vừa qua.

Tuy nhiên, quốc gia thắng kiện là Philippines và những quốc gia ASEAN khác gián tiếp thắng “đường lưỡi bò”, dẹp được cái gọi là “quyền lịch sử” của TQ tuyên bố ở biển Đông, thừa hiểu rằng phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ thực tế hơn nếu họ có sự hỗ trợ từ các mặt trận khác. Họ dùng những “cánh tay nối dài” với phán quyết này để gia tăng áp lực trên mặt trận thông tin (từ dư luận quốc tế), mặt trận ngoại giao (từ sự ủng hộ chính thức của các nước). Đó là sẽ một thách thức lớn, buộc TQ dù không muốn cũng phải gỡ bỏ dần tham vọng không chính đáng với hơn 90% biển Đông.

Hơn nữa, tại biển Đông không chỉ có một Philippines mong muốn ngăn cản sự bành trướng nguy hiểm của Bắc Kinh. Viễn cảnh nước nhỏ (Philippines) kiện nước lớn (TQ) với kết quả nước nhỏ thắng kiện khẳng định uy tín luật quốc tế, khơi mào cho xu hướng giải quyết tranh chấp biển Đông bằng UNCLOS. Các án lệ, sự hoàn thiện các nội dung pháp lý sau mỗi vụ kiện sẽ giúp hệ thống luật quốc tế trưởng thành hơn, ưu việt hơn. Điều này có nghĩa là dù TQ muốn hay không (và có rút khỏi UNCLOS hay không) thì khả năng nước này phải hầu tòa sẽ tăng cao vào thời gian tới nếu nước này không từ bỏ tham vọng vô lý.

Trung Quốc không thể phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài

Ngày 21-7, ĐH Luật Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm “Những khía cạnh pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Luật Biển 1982 về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc”.

TS Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ nhiệm khoa Pháp luật quốc tế (Trường ĐH Luật Hà Nội), cho rằng phán quyết của tòa có ý nghĩa rất lớn, không chỉ với Philippines - quốc gia thắng kiện trong tranh chấp này mà còn có tác động rất lớn trong cục diện quan hệ quốc tế ở biển Đông cũng như phản ứng của các quốc gia liên quan. Tuy nhiên, bà Ngân cũng cho rằng hiện nay chưa có cơ chế nào về mặt pháp lý để đảm bảo cho phán quyết đó, điều này phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí của các bên trong tranh chấp.

Trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về hiệu quả thực thi phán quyết của các bên, PGS-TS Nguyễn Thị Thuận, chuyên gia nghiên cứu pháp luật quốc tế và Luật Biển quốc tế (Trường ĐH Luật Hà Nội), cho rằng phản ứng của TQ sau phán quyết cả thế giới đều dự liệu được, tuy nhiên lịch sử quan hệ quốc tế cho thấy không có nước nào dám phớt lờ phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế. Chỉ có điều thực hiện kiểu gì, thực hiện như thế nào và thực hiện đến đâu.

Ví dụ cụ thể cho điều này, bà Thuận chỉ ra rằng sau ngày Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết, trong tất cả tuyên bố của TQ hầu như không nhắc đến “đường chín đoạn” nữa. Đây cũng là quan điểm được các chuyên gia đồng thuận cao.

VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm