TỪ PHÁN QUYẾT CỦA TÒA TRỌNG TÀI - BÀI 2

Cán cân lực lượng mới ở biển Đông

Bất chấp Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và rất nhiều quốc gia trên thế giới kêu gọi Trung Quốc (TQ) tôn trọng và thực thi phán quyết ngày 12-7, chính quyền Bắc Kinh vẫn đăng đàn bác bỏ phán quyết, đồng thời công bố Sách trắng quốc phòng với thái độ khiêu khích và đe dọa. Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với GS Alexander Vuving, chuyên gia an ninh làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương (Mỹ), về những khả năng có thể xảy ra trên biển Đông tới đây.

Trung Quốc lập ADIZ sẽ là một nước cờ sai lầm

. Phóng viên: Tòa Trọng tài đã ra phán quyết về vụ Philippines kiện TQ ở biển Đông, với kết quả yêu sách “đường lưỡi bò” và vấn đề “quyền lịch sử” của TQ đều bị bác bỏ. Đầu năm nay, ông từng nhận xét TQ sẽ không lập vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở biển Đông vì lợi bất cập hại. Điều này liệu có thay đổi trong tình hình tới đây?

+ GS Alexander Vuving: Đây không phải lần đầu TQ nói có quyền lập ADIZ. Lần này Thứ trưởng Ngoại giao Lưu Chấn Dân cũng lặp lại quan điểm trước kia của người phát ngôn Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng TQ, rằng khả năng TQ lập ADIZ ở biển Đông hay không còn tùy mức độ TQ bị đe dọa đến đâu trong khu vực. Theo tôi, tuyên bố lần này có ý nghĩa như một hình thức răn đe các nước theo kiểu “chớ nên làm mạnh, nếu không thì…”, hơn là một thông báo kế hoạch.

. Theo ông, các khả năng TQ lập ADIZ ở biển Đông sẽ như thế nào, kèm theo đó là hệ lụy gì?

+ Hiện nay, nếu TQ lập ADIZ để cảnh báo sớm; hoặc để xô đẩy các nước mà họ không thích ra khỏi khu vực họ kiểm soát thì TQ chưa có đủ thực lực, còn phải chờ thời gian. Ngoài hai chức năng này, ADIZ có thể được sử dụng cho ba chức năng khác. Thứ nhất, nếu TQ lập ADIZ như thể đặt một cột mốc chủ quyền thì sẽ lợi bất cập hại vì sẽ có nhiều nước bác bỏ, thậm chí một số nước trong khu vực có thể còn phản ứng bằng cách lập ADIZ của riêng mình, chồng lấn lên ADIZ do Bắc Kinh lập ra. Thứ hai, nếu TQ lập ADIZ để tạo thế mạnh trong giao thiệp với các đối thủ tranh chấp thì có thể gậy ông đập lưng ông vì chỉ cần Việt Nam lập ADIZ trên Hoàng Sa là có thể lật ngược thế cờ. Thứ ba, nếu TQ lập ADIZ để chứng tỏ không khuất phục trước phán quyết của Tòa Trọng tài thì sẽ càng khuyến khích các quốc gia liên quan đi những nước cờ mạnh bạo hơn, gây thiệt hại cho TQ nhiều hơn. Vậy khả năng TQ lập ADIZ trong hoàn cảnh hiện nay là có nhưng nhỏ và nếu có thì sẽ là một nước cờ sai lầm.

TQ ngang nhiên cử máy bay ném bom H-6K bay gần bãi cạn Scarborough sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết hôm 12-7. Ảnh: PLAAF

Tàu khu trục Yuncheng của TQ phóng tên lửa đối hạm trong một cuộc tập trận ngày 8-7-2016. Ảnh: AP

Nếu gây chiến, Trung Quốc sẽ thiệt hại nhiều hơn

. Nhiều quan điểm cho rằng sắp tới TQ sẽ tăng cường “sức mạnh cứng” trên thực địa nhằm răn đe các nước tận dụng phán quyết của Hội đồng Trọng tài để mặc cả với mình. Theo ông, khả năng xảy ra xung đột tại biển Đông thời gian tới như thế nào?

+ Hiện nay, các nước liên quan tranh chấp biển Đông với TQ đều ngại xung đột, cố gắng kiềm chế, tận dụng luật pháp quốc tế, ưu tiên đối thoại hơn đối đầu, đó có thể được xem là lợi thế cho TQ. Tuy nhiên, việc TQ bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài đã đặt TQ vào thế bất lợi, đó là đi ngược lại các chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Phán quyết của Tòa Trọng tài cũng đã làm rõ tính pháp lý của phần lớn các khu vực tại biển Đông. Điều đó tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho các nước như Mỹ, Nhật Bản có thể bảo vệ hoặc trợ giúp các đồng minh cũng như các quốc gia đối tác của họ tại khu vực trong trường hợp có những biến cố xung đột xảy ra.

Trong khi đó, với tình hình hiện nay, xung đột xảy ra sẽ có nhiều khả năng dây dưa kéo dài chứ không thể kết thúc chóng vánh với phần thắng thuộc về TQ được. Biển Đông là nơi 90% lượng dầu khí nhập khẩu của TQ đi qua. Nếu xung đột kéo dài, tàu dầu phải đi vòng, giá năng lượng ở Trung Quốc có thể tăng đến 30%. Đó là mới chỉ tính tác động vào tàu chở dầu. Do đó TQ sẽ tăng cường gây hấn trong “vùng xám” dưới ngưỡng chiến tranh và tránh để cho xung đột kéo dài hoặc mở rộng. Nếu chiến tranh xảy ra ở biển Đông thì TQ sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn Mỹ và Nhật Bản.

TQ hết thời “múa gậy vườn hoang”

. Ngay sau phán quyết của Tòa Trọng tài, TQ không những không chấp nhận thực thi phán quyết mà trái lại còn lên tiếng đe dọa và tuyên bố tập trận trên biển Đông tiếp nữa (TQ đã tập trận bắn đạn thật trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết). Mâu thuẫn lợi ích trong bối cảnh hiện nay sẽ khiến TQ và các quốc gia liên quan điều chỉnh hành động của họ ra sao?

+ Trước mắt thì căng thẳng sẽ leo thang. TQ sẽ có các động thái để phát tán thông điệp hàm ý nước này không sợ chiến tranh và sẵn sàng gây hấn. Tất cả để đè bẹp ý chí của các đối thủ, đồng thời khiến đối thủ không tin tưởng vào hiệu lực của luật pháp quốc tế, từ đó đi đến thỏa hiệp với sức mạnh cơ bắp của TQ. Một số đối thủ của TQ có thể sẽ tìm biện pháp xoa dịu nhưng họ sẽ không từ bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài. Sau một thời gian nếu TQ không thích ứng với tình hình mới thì các đối thủ của TQ sẽ hợp tác nhiều hơn với nhau để bảo vệ luật pháp quốc tế mà cũng là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của họ.

. Trong khi Philippines nói riêng và nhiều nước khác kỳ vọng về sự hiện diện của Mỹ tại biển Đông thì phía TQ lên án Mỹ xuất hiện càng làm gia tăng căng thẳng. Phán quyết lần này có lợi cho hoạt động tuần tra tự do hàng hải (FONOPs) của Mỹ. Theo ông, sự hiện diện của Mỹ sau phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ góp phần định hình cục diện an ninh tại khu vực biển Đông thời gian tới ra sao?

+ Mỹ đã điều hai cụm tàu sân bay đến túc trực ở biển Đông trong thời gian Tòa Trọng tài sắp sửa ra phán quyết. Đây là điều bất thường vì thông thường tàu sân bay của Mỹ chỉ đi qua biển Đông chứ không túc trực. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở biển Đông nhằm cảnh báo với TQ không được làm liều. Theo quan điểm cá nhân tôi, sau phán quyết của Tòa Trọng tài thì TQ trở nên tự cô lập mình với các nước khi chống phá phán quyết và tiếp tục vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp phần lớn các nước đều đồng ý nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế theo UNCLOS.

Dù về Tòa Trọng tài không có cách gì để buộc TQ phải thi hành phán quyết nhưng tự bản thân các nước liên quan và có lợi ích trong khu vực sẽ tìm cách bảo vệ những mặt tích cực đối với lợi ích của họ được nêu trong phán quyết. Phán quyết của Tòa Trọng tài sẽ giúp tạo ra cán cân lực lượng mới, trong đó TQ không còn khả năng “múa gậy vườn hoang” như trước nữa. Cuối cùng, luật vẫn là luật và không ai có thể bác bỏ hay bẻ cong được. Trừ khi TQ ra khỏi UNCLOS và tự mình lập ra một loại luật pháp quốc tế mới, còn nếu TQ vẫn muốn giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng như họ nói thì cuối cùng họ cũng sẽ phải chấp nhận giá trị của phán quyết là trên hết.

Trung Quốc có thể sẽ xây đảo nhân tạo tại bãi cạn Scarborough?

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ nhận định phản ứng của Bắc Kinh sẽ phụ thuộc không gian mà TQ có thể len lỏi linh hoạt để ứng phó với kết quả phán quyết, đồng thời phụ thuộc vào phản ứng của Philippines, Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ kiềm chế vì TQ sẽ là chủ nhà tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng 9-2016 và vì cánh cửa đàm phán với chính quyền mới của Philippines đang mở ra. Trong tương lai, TQ có thể sẽ xây đảo tại bãi cạn Scarborough, triển khai lực lượng các chiến đấu cơ đầu tiên đến các cơ sở nhân tạo ở đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn.

___________________________

Kỳ tới: “Nước cờ” ngoại giao của Bắc Kinh xoay chuyển ra sao?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm