Bình luận về tác động của phán quyết từ Tòa Trọng tài theo phụ lục VII, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đối với cục diện ngoại giao giải quyết tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc (TQ) và các nước, GS Nguyễn Mạnh Hùng (ĐH George Mason, Mỹ) nhận định: Chính quyền Bắc Kinh, sau khi trúng một đòn pháp lý nặng nề vừa rồi, sẽ tìm cách vừa răn đe vừa xoa dịu đối thủ.
Vừa mua chuộc vừa tạo áp lực...
. Phóng viên: Thất bại trên mặt trận pháp lý (Legal Warfare), triết lý ứng xử của TQ trên mặt trận ngoại giao với Philippines và các nước tranh chấp tại biển Đông sẽ như thế nào, thưa ông?
+ GS Nguyễn Mạnh Hùng: Phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12-7 là một thất bại cho TQ cả về pháp lý lẫn ngoại giao. Yêu sách đường lưỡi bò của TQ đã bị một định chế tài phán có thẩm quyền tối cao của thế giới chính thức bác bỏ vì không phù hợp với quy định của UNCLOS. Đồng thời Tòa Trọng tài cũng khẳng định TQ đã vi phạm quyền của ngư dân Philippines đánh cá trong ngư trường truyền thống. Sau khi thua trắng trong “trận chiến” pháp lý, TQ kêu gọi Philippines đàm phán song phương. Động thái này có hai hàm ý: Một là TQ muốn thông qua nói chuyện riêng với Philippines để tìm cách vừa mua chuộc vừa tạo áp lực răn đe Philippines dựa vào các công cụ kinh tế và thương mại. Hai là TQ tìm cách chia rẽ ASEAN, tách Philippines ra khỏi khả năng đàm phán tập thể giữa ASEAN với TQ.
. Dụng ý việc “vừa răn đe vừa mua chuộc” là gì khi TQ vốn đã không tham gia vụ kiện?
+ Khi đàm phán song phương với Manila, dù không muốn nhưng Bắc Kinh cũng chịu áp lực từ phán quyết của Tòa Trọng tài. Vậy nên TQ có thể chấp nhận một số nhượng bộ nhất định về tranh chấp chủ quyền, đồng thời tận dụng miếng mồi kinh tế - thương mại để xoa dịu sự lấn tới của Philippines đang tăng cao sau phán quyết phủ nhận cả đường lưỡi bò lẫn quyền lịch sử của các yêu sách TQ. Biện pháp này nếu thành công còn làm trầm trọng hơn sự chia rẽ nội bộ ASEAN cũng như trong quan hệ của Manila với Washington trong thời gian tới. Không dừng ở đó, TQ cũng tiếp tục thúc đẩy mục tiêu gây chia rẽ trong khối ASEAN thông qua các chiêu bài ngoại giao với một số ít các mắt xích rất yếu trong tổ chức này, điển hình nhất là Cambodia (với các tuyên bố chống lại phán quyết Tòa Trọng tài mới đây).
. Như vậy xét trên bình diện tổng thể, TQ có thể sẽ tận dụng những lợi thế nào trên bàn đàm phán?
+ Có ít nhất bốn “điểm tựa” để TQ nói rằng mình có quyền “nói chuyện” với các quốc gia dù nước này vừa mới thua kiện. Về chủ quan, thứ nhất, TQ sẽ căn cứ vào sức mạnh quân sự và quyền lực chính trị của nước này trong tương quan lực lượng với đối thủ và đối tác khác để tạo ra khả năng mặc cả. Thứ hai, Bắc Kinh sẽ phô diễn những khoản viện trợ, đầu tư, cho vay cũng như các mối làm ăn hấp dẫn mà thị trường TQ có tiềm năng mang lại cho các nước để “trao đổi”. Về khách quan, TQ sẽ tận dụng “khoảng trống” xuất phát từ sự thiếu thống nhất của ASEAN, chen chân vào để tìm cách chi phối. Đồng thời TQ sẽ tìm cách ru ngủ và chia sẻ quyền lực với các nước lớn để thoát khỏi ảnh hưởng của bản án từ Tòa Trọng tài.
Trung Quốc sẽ tiếp tục dùng “quân bài” kinh tế để đàm phán với Philippines hòng đạt các mục tiêu chính trị của mình sau phán quyết của Tòa Trọng tài. Trong ảnh: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: ABC.NET
Tự làm xấu mình
. Theo ông, đâu là những thách thức đáng chú ý nhất đối với chính quyền Bắc Kinh trên mặt trận ngoại giao sau khi thua kiện Philippines?
+ TQ đã tuyên bố không chấp nhận thẩm quyền cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài. Tuy nhiên, thực tế dù muốn hay không thì TQ cũng không thể loại bỏ hay làm ngơ như không có chuyện gì tất cả những ảnh hưởng về mặt pháp lý lẫn tinh thần của phán quyết. Bất lợi của TQ là không có công lý (từ phán quyết của Tòa Trọng tài) chống lưng, không được dư luận quốc tế ủng hộ, trong khi Manila có cả hai.
. Biểu hiện của sự thất thế mà TQ gặp nếu đàm phán với Philippines và các nước tranh chấp khác là gì?
+ Giá trị pháp lý và uy tín của phán quyết từ Tòa Trọng tài còn thu hút được sự ủng hộ của nhiều nước có quyền lợi chính danh tại biển Đông (như Malaysia, Indonesia, Việt Nam,...) và những nước quan tâm đến việc thiết lập một trật tự trong khu vực dựa trên “thượng tôn pháp luật”, lấy luật quốc tế làm trọng tâm (như Mỹ, Nhật Bản, Úc,...) chứ không lấy vũ lực làm kim chỉ nam (như TQ đã làm). Như vậy, sự ưu việt của luật pháp quốc tế được các nước liên quan tranh chấp, Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ ủng hộ nên TQ sẽ phải chịu áp lực của công luận thế giới rất mạnh mẽ.
Nếu chính quyền Bắc Kinh vẫn một mực không điều chỉnh quan điểm và hành vi trên bàn đàm phán, có nghĩa là TQ sẽ tự làm xấu hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế; sẽ tự biến mình thành một “cường quốc ngỗ nghịch” hành động bất chấp luật pháp quốc tế (chứ không phải một cường quốc “trỗi dậy hòa bình” như TQ thường tuyên bố - PV). TQ cũng sẽ tự cô lập mình khiến đồng minh và đối tác khu vực sát lại gần Mỹ hơn trong phân cân lực lượng trước TQ.
Đề phòng TQ tạo ra sự đã rồi
. Phán quyết của Tòa Trọng tài có đủ để chống lại một TQ bành trướng trong dài hạn? ASEAN và các quốc gia khác có ảnh hưởng tại khu vực cần lưu ý điều gì về hành động của TQ?
+ Như tôi đã phân tích, phán quyết của Tòa Trọng tài đã vô hiệu hóa tính hợp pháp của yêu sách đường lưỡi bò, thu hẹp vùng TQ có quyền kiểm soát tại biển Đông về pháp lý và tạo căn cứ thuận lợi cho Philippines và một số nước liên quan. Nhưng công lý luôn luôn cần được hỗ trợ bằng một tương quan lực lượng thích hợp, ví dụ có sự tham gia của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Dù đã thắng kiện nhưng Philippines nói riêng và ASEAN nói chung cần lưu ý đến khả năng TQ phản ứng nhằm tạo ra những “sự đã rồi” (faits accomplis) trên thực địa. Đây là một thách thức đối với sự đoàn kết, thống nhất của ASEAN. Không những thế, một phản ứng “tạo ra sự đã rồi” cũng sẽ thách thức Mỹ nếu siêu cường này thiếu quyết tâm và không có những hành động cụ thể, hữu hiệu chống lại hành động lấn lướt của TQ.
. Tháng 9 tới đây, TQ sẽ là nước chủ nhà tổ chức hội nghị G20. Liệu biển Đông có phải là vấn đề TQ ưu tiên mang lên bàn nghị sự để thông qua đó chống lại phán quyết vừa qua của Tòa Trọng tài?
+ Hội nghị G20 sắp tới diễn ra ở TQ. Hội nghị sẽ có những quốc gia có hoặc không có quyền lợi trực tiếp ở biển Đông; có thiện cảm hoặc không có thiện cảm với Mỹ. Trọng tâm của hội nghị G20 là các vấn đề kinh tế - tài chính thế giới. Vì vậy, TQ không dễ chi phối hay bị cô lập. Nhiều khả năng TQ sẽ tranh thủ loại bỏ vấn đề tranh chấp biển Đông ra khỏi chương trình thảo luận của hội nghị. Hoặc nếu có, trong một kịch bản khó có khả năng xảy ra, vấn đề cũng chỉ được đề cập hết sức mờ nhạt trong tuyên cáo chung của hội nghị.
Coi chừng “cây gậy và củ cà rốt” kiểu TQ Nếu so cán cân lực lượng ở biển Đông, TQ vẫn chưa đủ khả năng dùng “cơ bắp” để áp đặt luật chơi riêng của mình. Bởi vì có sự hiện diện của hệ thống Mỹ và đồng minh - “trục và nan hoa” kiểu mới - được trang bị khả năng chiến đấu tinh vi nhất thế giới. Nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (Mỹ) Jennifer Harris cho rằng phía sau sự ồn ào trên thực địa là con bài chủ đạo của Bắc Kinh: Vũ khí kinh tế. Có thể thấy con bài này khi nhìn lại các lệnh cấm vận xuất nhập khẩu một số mặt hàng mà TQ từng áp dụng cho Philippines, Nhật Bản; các chiêu trò tấn công thương mại mà TQ hàm ý đe dọa ý chí các nước trong thời gian qua. Song song đó là những gói đầu tư (có vẻ) béo bở, những khoản viện trợ khổng lồ, những hứa hẹn hợp tác với nền kinh tế thứ hai thế giới. Mỹ, đồng minh và các quốc gia trong khu vực tranh chấp phải đối trọng lại “cây gậy và củ cà rốt” của TQ mới ép buộc TQ theo luật chơi chung. Chiến thắng pháp lý trước TQ chỉ có ý nghĩa thực sự khi các nước trong khu vực cũng có “cây gậy” và cả “củ cà rốt”. Muốn thoát khỏi sự phụ thuộc một chiều vào kinh tế TQ, phải gia tăng hợp tác kinh tế giữa các nước nhỏ với các đầu tàu kinh tế như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ. |